Lòng nhân ái tạo nên con người vĩ đại
Sau những tháng năm làm báo với vai trò nhà báo, tổng biên tập, rồi đến cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp, nhà báo Trần Đình Việt về hưu nhưng ngòi viết vẫn không nghỉ ngơi. Lúc này, ông ấp ủ cho mình một “dự án” nho nhỏ, đó là thực hiện một quyển sách về Bác Hồ.
Nhà báo Trần Đình Việt chia sẻ, đề tài về Hồ Chủ tịch là một đề tài rất quen mà cũng rất lạ. Quen, là bởi viết về Bác thì có không biết bao nhiêu bài viết, bài báo, quyển sách, thơ ca, nghiên cứu đã thực hiện rồi. Nhưng vẫn còn lạ, là bởi nói về Bác vẫn còn rất nhiều điều chưa nói hết, đặc biệt là những khía cạnh đời thường, nhỏ bé thôi những phản ánh được nhân cách vĩ đại của Người.
Nhà báo Trần Đình Việt kể, trong những buổi sinh hoạt Chi bộ hàng tháng, chủ đề Học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra rất nhiều. Nhưng học ở Bác những gì, học thế nào thì đôi khi chưa có những định hướng cụ thể. Từ đó, ông bắt đầu nung nấu việc cho ra đời một tác phẩm để người đọc có thể dễ dàng hình dung, nắm bắt để mà học tập Bác.
Trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của Bác, ông Trần Đình Việt nhận ra rằng, Bác là một con người vừa cụ thể mà lại vừa khái quát. Để học ở Bác, có lẽ cần tóm gọn lại trong 6 chữ: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách”. Và trong 3 từ khái quát ấy, nhà báo Trần Đình Việt chọn phần mà mình thấy gắn bó, rung động nhất, đó là phần về đạo đức Hồ Chí Minh để tiến hành nghiên cứu, khảo cứu.
Nói về phạm trù đạo đức, đó cũng là một khái niệm khá rộng. Tác giả đã đi vào “hạt nhân” của phạm trù đạo đức, đó chính là tình yêu thương con người. Và như thế, quyển sách “Lòng nhân ái của Bác Hồ” ra đời.
|
Tác giả Trần Đình Việt giao lưu với Viện Khoa học hình sự miền Trung về tác phẩm “Lòng nhân ái của Bác Hồ”. (Ảnh: NVCC). |
Theo tác giả Trần Đình Việt, nói về lòng nhân ái của Bác Hồ, phải đặt vào một bối cảnh rộng và sâu để thấy được nguồn cội của nó. Bác sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học ở một vùng quê rất nghèo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải cùng mẹ nuôi nấng các em khi cha đi thi ở xa, chính trong những ngày tháng thơ ấu ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, gieo mầm trong Bác tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc đối với số phận con người.
Lớn lên, đứng trước tình cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ, lầm than, chính tình yêu thương với dân, với nước đã thúc đẩy Bác bôn ba ra thế giới tìm con đường có thể cứu vớt nỗi khổ đau của dân mình. Để rồi, khi tầm mắt mở rộng, Bác nhận ra rằng, người dân nơi nào cũng có khổ đau. Tình thương con người của Bác trải rộng từ người dân trong nước đến những người lao động dưới đáy xã hội ở nước ngoài. Tờ báo đầu tiên Bác lấy tên “Người cùng khổ” đã thể hiện tấm lòng đau đáu vì con người của Bác.
Như vậy, chữ “nhân” của Cụ Hồ được thể hiện như thế nào? Theo nhà báo Trần Đình Việt, để hiểu rõ được điều này, ông đã sưu tầm, khảo cứu những câu chuyện liên quan đến cách Bác ứng xử với nhiều đối tượng: Với đồng bào Việt Nam, với nhân dân các nước, với đồng chí của mình và với kẻ thù.
Từng câu chuyện trong quyển sách “Lòng nhân ái của Bác Hồ” như những ngọn nến nhỏ mà sáng tỏ, phần nào soi rọi cho người đọc thấy rõ hơn tấm lòng của Người đối với con người. Đối với đồng bào, Người hết mực thương yêu, hy sinh cả cuộc đời để giành độc lập, cơm no, áo ấm. Đối với nhân dân các nước, Người dành một tấm lòng yêu thương, trân trọng bao la không biên giới. Đối với đồng chí, Người quan tâm, chăm sóc như với ruột thịt, nhưng cũng rất nghiêm khắc dạy dỗ, đào tạo, nhân cách của Người khiến các đồng chí “tâm phục, khẩu phục”. Đối với kẻ thù, vũ khí mạnh mẽ nhất của Hồ Chủ tịch cũng là lòng nhân ái. Bằng tấm lòng bao dung và trí tuệ vĩ đại, Người đã khiến kẻ thù phải ngả mũ kính phục, bị cảm hóa.
GS Đặng Thai Mai, sau lần những gặp gỡ Hồ Chủ tịch đã phải thốt lên “đó là một con người rất hiểu con người”. Còn chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, một con người kiêu hãnh không cúi đầu trước bất cứ thế lực nào, đã thay đổi quan điểm, ra trợ giúp cho Bác, và thốt lên “Chí thành, năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển hướng”.
Hành trình trở thành “nhà nghiên cứu” về Hồ Chủ tịch
|
Tác phẩm “Lòng nhân ái của Bác Hồ”. |
“Lòng nhân ái của Bác Hồ” là một quyển sách tập hợp nhiều câu chuyện liên quan đến tình yêu thương con người của Bác. Đó là những câu chuyện chân thật được kể lại thông qua những người đã từng có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc hoặc được nghe kể lại những câu chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện qua lời kể của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, GS Đặng Thai Mai, GS Trần Văn Giàu, đồng chí Vũ Kỳ, những con người may mắn được thân cận, làm việc với Bác. Đó cũng có thể là những cuộc gặp gỡ đầy xúc động của “nữ tướng rừng dừa” Nguyễn Thị Định với Bác. Những câu chuyện từ góc nhìn của những người làm văn nghệ, người bộ đội, người làm công tác hậu cần, những người bạn của Bác ở nước ngoài với có đủ màu da...
Thông qua những câu chuyện sống động và những hình ảnh tư liệu, tác giả Trần Đình Việt đưa người đọc đi đến những khoảnh khắc khác nhau trong suốt cuộc đời Bác. Có những đoạn cảm động đến rơi nước mắt. Như đoạn kể về hành trình anh hùng Nguyễn Thị Định theo đoàn vào thăm Bác. Bà Nguyễn Thị Định trình bày với Bác những khó khăn, khốn khổ mà quân dân Nam Bộ đang gặp phải, như thiếu súng đạn nghiêm trọng, giặc Pháp đốt phá sạch, khiến đồng bào phải bỏ vườn không nhà trống mà chạy, trẻ con nheo nhóc, khốn khó trăm bề. Cán bộ phải sơ tán căn cứ, đóng ở rừng ngập mặn, chia nhau từng ngụm nước, nấu cơm bằng nước mặn...
Đoạn sách đã miêu tả lại hình ảnh Bác như sau: “Bác ngồi lặng đi, hai hàng nước mắt lăn qua đôi má gầy tóp, rơi xuống chòm râu rồi đọng lại lóng lánh! Nhìn thấy những giọt nước mắt của vị Chủ tịch nước khóc vì miền Nam ruột thịt, mọi người đã khóc theo. Những giọt nước mắt của Bác buổi ấy đối với Ca Văn Thỉnh cũng như Nguyễn Thị Định đã ghi dấu ấn thiêng liêng, tan hòa vào cõi tâm linh hoài cảm suốt đời...”.
Nhà báo Trần Đình Việt cho biết, để sưu tầm, nghiên cứu về Bác không phải là một chuyện dễ dàng. Những câu chuyện thật thông qua những người từng gặp Bác, những bức ảnh tư liệu về cuộc đời Bác trải dài gần một thế kỉ cần sự sưu tầm, hệ thống lại dưới một chủ đề nhất quán.
“Bức ảnh bìa sách “Lòng nhân ái của Bác Hồ” tôi chọn khoảnh khắc Hồ Chủ tịch hỏi thăm các mế Cao Bằng khi người về thăm Pác Pó. Tại sao lại là hình ảnh ấy chứ không phải là hình ảnh nào khác trong suốt sự nghiệp vĩ đại của Người? Ấy là bởi trong bức ảnh ấy, ta thấy không phải một vị lãnh tụ áo mão đang đi thăm người dân, mà là một ông cụ hiền lành, từ ái, đang thăm hỏi ân cần những cụ già khác. Bức ảnh chạm đến trái tim tôi một cách sâu sắc nhất và tôi nghĩ rằng, nó cũng sẽ chạm đến trái tim độc giả, bởi khía cạnh rất nhân ái, rất “đời” của Bác toát ra từ đấy”, nhà báo Trần Đình Việt chia sẻ với phóng viên.
Sau khi tác phẩm “Lòng nhân ái của Bác Hồ” ra đời, quyển sách đã được độc giả đón nhận nhiệt tình. Nhiều chi bộ Đảng, khi sinh hoạt chi bộ đã đem quyển sách như một “nhân chứng” sinh động để các đảng viên cùng học tập tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch. Đồng thời, tác giả Trần Đình Việt cũng được nhiều cơ quan, đơn vị mời giao lưu, như chương trình “Bác Hồ - Một tình yêu bao la” tại đường sách Thủ Đức cuối năm 2023, hay chuyến giao lưu với Viện Khoa học hình sự miền Trung để trao đổi về quyển sách. Tác phẩm cũng đã được được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 vào tháng 9/2023.
Ở tuổi xấp xỉ 80, xuất bản được tác phẩm “để đời” về Hồ Chủ tịch, nhưng nhà báo Trần Đình Việt vẫn chưa ngơi nghỉ. Ông đang bắt tay thực hiện một ấn phẩm nghiên cứu khác về Hồ Chủ tịch, dự kiến ra mắt vào năm 2025. Nhà báo Trần Đình Việt cho biết, còn sức khỏe, ông sẽ tiếp tục những công trình nghiên cứu, khảo cứu về Cụ Hồ. Ông đặt cho mình mục tiêu trở thành nhà nghiên cứu về cuộc đời Hồ Chủ tịch. Bởi thông qua chính những cuộc tìm hiểu, khảo cứu về cuộc đời Bác, ông càng thêm kính nể, khâm phục, không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, đi theo con đường của Bác.