Trợ giúp pháp lý góp sức hòa giải trong các vụ ly hôn

(PLO) - Đã đành lúc kết hôn chẳng ai muốn mình phải gánh cái kết thúc không có hậu nhưng nếu “cơm không lành, canh chả ngọt” thì ly hôn lại là giải pháp cần tính đến. Điều đau lòng hơn cả trong các cuộc ly hôn là phụ nữ và trẻ em luôn chịu nhiều thiệt thòi. Trong nhiều vụ như vậy, vai trò hòa giải của những người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đóng góp một phần quan trọng.
Ảnh minh họa.

Những phiên tòa ly hôn đau lòng

Khi những xung đột trong gia đình không thể giải quyết được chị H và chồng đưa nhau ra tòa để xin ly hôn. Nhưng có một điều lạ là tại phiên tòa tất cả số tài sản đó đều được chị ủy thác toàn bộ cho chồng mặc dù những người hàng xóm và gia đình hai bên đều biết anh T là một người không nghề ngỗng, suốt ngày rượu chè, mọi công việc trong gia đình do một tay chị H quán xuyến. Khi thẩm phán hỏi chị H về số tài sản, chị chỉ len lén nhìn chồng, lưỡng lự giây lát, thấy vậy T gằn giọng: “Có gì cô cứ nói. Như chúng ta đã thỏa thuận”. Chị H vội vã gật đầu, nhường toàn bộ tài sản cho chồng. 

Hóa ra nguyên nhân khiến chị H chấp nhận yếu thế và từ bỏ toàn bộ tài sản ở phiên tòa là do chồng chị nắm được yếu điểm của chị. Hồi còn chung sống, một mình chị phải cáng đáng kinh tế gia đình nên đã có lúc chị không giữ được mình, trốn chồng đi làm “gái bán hoa”. Giờ đây, chị buộc chấp nhận thiệt thòi để giữ lại cho mình một chút tự trọng và tình cảm cuối cùng.  

Hay chuyện tan vỡ của gia đình anh A cũng thật đáng tiếc. Hai anh chị cùng sinh ra và lớn lên ở một làng ven sông Hồng, tuổi thanh niên của họ đã có những kỷ niệm đẹp và tình yêu đã đến với họ. Tình cảm của anh, chị được hai gia đình ủng hộ, họ đến UBND xã đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới năm 1985. Sau gần 20 năm chung sống, anh chị đã có 3 người con (2 gái 1 trai). Những năm đầu, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong gia đình anh chị lúc nào cũng có tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc của ông bà, cha mẹ và con cái. 

Đến lúc nền kinh tế thị trường phát triển, ruộng đất được giao ít đi, anh chị còn trẻ khỏe, các con đã lớn có thể ở nhà với ông, bà để bố mẹ vào miền Nam làm ăn kinh tế. Khi nêu nguyện vọng của mình, anh, chị đã được bố mẹ và các con đồng ý. Ngày vào miền Nam, vợ chồng anh chị với bao suy nghĩ, toan tính phải cố gắng làm ăn, có tiền gửi về để xây nhà, nuôi con ăn học, phụng dưỡng bố mẹ già, giúp đỡ các em… Song không hiểu sao, quan hệ giữa hai anh chị phát sinh mâu thuẫn, chị kiên quyết đòi ly hôn với anh mà chẳng có lý do chính đáng. 

Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND quyết định mở phiên tòa xét xử ly hôn (vì anh vắng mặt do làm ăn ở miền Nam) và tuyên án chị được ly hôn kèm theo được phân chia tài sản và con cái… Còn anh, nghe tin gia đình thông báo kết quả vụ án, anh vội vã trở về quê làm đơn chống án lên Tòa phúc thẩm vì anh không muốn ly hôn với chị, không muốn các con phải chia ly, muốn gia đình hạnh phúc…

Nhiều người cho rằng nếu công tác hòa giải được làm tốt thì có thế sẽ không xảy ra những phiên tòa ly hôn đau lòng ấy. Đành rằng theo một vị phó chánh án một tòa cấp quận ở TP.HCM, cứ 10 vụ hòa giải đoàn tụ được thì có đến 8 vụ sau đó đã quay trở lại tòa tiếp tục xin ly hôn nhưng hòa giải là tạo cơ hội để vợ, chồng có thể đoàn tụ nếu họ thực sự nỗ lực hàn gắn quan hệ hôn nhân vốn đã rạn nứt. 

Giúp sức cho thẩm phán

Tham gia vào công tác hòa giải trong ly hôn hiện nay, ngoài công tác hòa giải ở cơ sở, các thẩm phán của TAND còn có một đối tượng khác, đó là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên. Luật gia Trần Xuân Tiền cho biết: “Hiện nay, vai trò của Trợ giúp viên, trong hòa giải ly hôn chưa được biết đến nhiều nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của hoạt động hòa giải trong ly hôn do trợ giúp viên đảm trách lĩnh vực hôn nhân gia đình đảm nhiệm. Trợ giúp viên vốn là những người có kinh nghiệm thực tế phong phú, có sự am hiểu sâu sắc về những quy định của pháp luật”. 

Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý nêu rõ: Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc giúp đỡ họ hòa giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Trong vụ án ly hôn, trợ giúp viên không được đại diện theo ủy quyền để giải quyết việc ly hôn, song họ có quyền tư vấn trợ giúp và có vai trò “cố vấn” rất quan trọng vì hơn ai hết trợ giúp viên, là người được tin tưởng là người phải có trách nhiệm, phải làm việc hết mình, phải bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người được trợ giúp pháp lý. 

Đối với những vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản, trợ giúp viên pháp lý được tham gia và giúp ích rất nhiều trong các vụ án ly hôn. Trợ giúp viên pháp lý hoàn toàn có thể hoàn thành tốt vai trò như một hòa giải viên chuyên nghiệp, giúp các bên có được cách giải quyết tốt nhất trong việc xin ly hôn của mình. Việc tham gia hòa giải của trợ giúp viên pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là cơ sở để giúp cho thẩm phán xem xét trước khi đưa ra một quyết định của vụ án phù hợp với quy phạm đạo đức và không trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của hoạt động hòa giải trong ly hôn, cần nhiều hơn nữa sự đầu tư cũng như nỗ lực của những người làm công tác hòa giải – những trợ giúp viên pháp lý và sự thiện chí của những người trong cuộc.

Đọc thêm