Trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu: Áp lực cho doanh nghiệp Việt

(PLO) - Chương trình Xếp hạng Quốc gia về Việc làm (BestViet), thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tạp chí Lao động & Xã hội nhằm hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc xứng đáng và công bằng cho người lao động, vừa đưa ra kết quả ban đầu của báo cáo nghiên cứu “Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: hiện trạng và sức ép thay đổi”. 
Trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu: Áp lực cho doanh nghiệp Việt
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên số liệu của các cuộc điều tra về lao động – việc làm trên toàn quốc do ngành lao động thương binh xã hội và ngành thống kê tiến hành, kết hợp với các khảo sát từ những doanh nghiệp trong chương trình BestViet, cùng người lao động tại các doanh nghiệp này. Toàn văn báo cáo cũng như các kết quả tiếp theo của Chương trình Xếp hạng quốc gia về việc làm BestViet dự kiến sẽ được công bố chính thức vào ngày 21 tháng 12 năm 2013.
Chất lượng việc làm đáng lo hơn tình trạng thất nghiệp?
Theo số liệu thống kê chính thức, tình trạng thất nghiệp không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay. Tới thời điểm 6/2013, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ khoảng 2,28%.
Tuy nhiên, công tác lao động việc làm của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề chất lượng việc làm. Có một số lượng lớn lao động chưa có “việc làm xứng đáng” (decent work) cho dù họ không thất nghiệp. Theo điều tra toàn quốc của Tổng cục Thống kê, chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 đang gióng lên hồi chuông báo động. Trên một nửa lao động thanh niên phải làm những công việc năng suất thấp. Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời). 
Tới thời điểm cuối năm 2012, chỉ có chưa đến 10% lực lượng lao động có được những công việc tốt, với tư cách là nhà quản lý, hoặc người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Đại đa số người lao động đang làm những công việc giản đơn (40,44%) hoặc dịch vụ cá nhân hoặc bảo vệ bán hàng (16,07%). Có một sự lãng phí lớn trong sử dụng lao động ở Việt Nam. Cứ 10 thanh niên 15-29 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình. 
Như vậy, môi trường làm việc và tính chất công việc đang là vấn đề nóng bỏng trong công tác lao động việc làm của Việt Nam hiện nay. Người lao động không chỉ cần có việc làm, mà cần phải có “việc làm xứng đáng”, với năng suất lao động tương xứng năng lực, mức tiền lương công bằng, và có triển vọng phát triển cá nhân và hội nhập xã hội. 
Nhu cầu của người lao động đang thay đổi?
Trong bối cảnh đó, kết quả điều tra của BestViet cho thấy đang có một xu hướng thay đổi khá căn bản về nhu cầu thị trường lao động cũng như nhu cầu của từng người lao động khi nhìn nhận về một công việc tốt và một nơi làm việc tốt. Nhìn chung, người lao động Việt Nam đã bắt đầu có những định hướng hoài bão hơn trong mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Khi được yêu cầu lựa chọn tối đa 3 mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất trong 9 mục tiêu nghề nghiệp được liệt kê, đa phần người lao động Việt Nam (70%) vẫn coi “một công việc ổn định và đủ sống” là mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất. Tuy nhiên, đã có khá nhiều người lao động đánh giá cao việc phải trở thành chuyên gia sâu hoặc mục tiêu tự lập trong việc làm. Việc nhấn mạnh vào mục tiêu nghề nghiệp “trở thành chuyên gia trong ngành nghề của mình” là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy người lao động đã chú trọng hơn vào việc phát triển các kỹ năng chuyên môn.
Tại các nghiên cứu tương tự trên thế giới, mục tiêu “đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” thường đứng đầu trong số các mục tiêu sự nghiệp, tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ tiêu này chỉ đứng thứ tư trong số 9 chỉ tiêu xếp hạng.
Người lao động tập trung kỳ vọng vào các lợi ích ngắn hạn?
Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn hiện nay người lao động vẫn chú trọng vào những lợi ích ngắn hạn như tiền lương, tiền thưởng, hơn là những lợi ích trung hạn và dài hạn của công việc như chế độ đào tạo, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc hiện đại...
Kết quả điều tra cho thấy lương, thưởng và đãi ngộ vật chất giữ vai trò quan trọng hàng đầu theo đánh giá của người lao động về nơi làm việc tốt nhất (được đánh giá với tỷ lệ 32% khi người lao động được hỏi về phân chia tầm quan trọng của 4 yếu tố tạo nên nơi làm việc tốt). Bối cảnh khó khăn, lạm phát cao, chi phí sinh hoạt gia tăng nhanh khiến cho người lao động phải hy sinh các lợi ích dài hạn để tập trung vào mục tiêu bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống. 
Tiếp theo các đãi ngộ vật chất, đặc tính nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến cũng được người lao động nhìn nhận là yếu tố quan trọng quyết định sự hấp dẫn của nơi làm việc với tỷ lệ đánh giá là 27%. Các vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay uy tín doanh nghiệp được đánh giá với tỷ lệ tương ứng là 21 và 20%
Các doanh nghiệp đáp ứng ra sao?
Các nhà tuyển dụng ở Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều áp lực. Khi nền kinh tế Việt Nam gần chạm ngưỡng thu nhập trung bình và càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn nhiều hơn trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài và khuyến khích, động viên người lao động.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cũng ý thức được tầm quan trọng của mức lương đối với người lao động. Từ năm 2009-2012, mức lương trung bình tại các doanh nghiệp được điều tra đã tăng trên 35%. Trong năm 2012, mức lương trung bình tại các doanh nghiệp BestViet đang tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát.
Trong số trên 1000 doanh nghiệp được điều tra trong Chương trình BestViet, mức thu nhập trung bình của người lao động năm 2012 lên tới 11,2 triệu/tháng. Trong đó, mức lương ở các ngành viễn thông, tư vấn quản trị, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm... ở vị trí hàng đầu.
Như vậy, các nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của  người lao động chủ yếu theo phương thức gia tăng thu nhập cho người lao động. Cho dù cách làm này là đúng hướng, nhưng nó là chưa đủ. 
Để có thể khai thác và phát triển hiệu quả nguồn lực lao động – nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp cũng như của quốc gia – các doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn trong hoạt động tuyển dụng và đãi ngộ người lao động, cũng như cung cấp nhiều lợi ích ngoài lương hơn cho người lao động. 
Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng tới gây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Gây dựng được thương hiệu nhà tuyển dụng tốt giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong tuyển dụng nhân sự, thuận lợi hơn trong việc tạo động lực cho nhân viên và tạo sức mạnh tập thể bởi sự chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp được thông suốt trong nội bộ và việc duy trì văn hóa doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn. 
Bên cạnh đó, thương hiệu nhà tuyển dụng tốt cũng góp phần thu hút khách hàng trung thành, khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hay trong việc hợp tác, liên doanh, mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.

Đọc thêm