ĐH dân lập đứng trước nguy cơ giải thể

(PLO) - Đã qua ba đợt tuyển sinh với nguồn tuyển trên điểm sàn khá dồi dào, tuy nhiên, không ít trường ngoài công lập (NCL) vẫn mong ngóng thí sinh. Nguy cơ giải thể vẫn đang là nỗi hoang mang với không ít trường…
ĐH dân lập đứng trước nguy cơ giải thể

Mong ngóng… tuyển sinh riêng

Đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) đã hoàn tất công tác xét tuyển, trong đó có những trường NCL đã tạo được thương hiệu khá vững chắc như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, ĐH Phương Đông, ĐH FPT, ĐH Duy Tân…
Tuy nhiên, cho tới những ngày cuối cùng xét tuyển các nguyện vọng nhưng ĐH Lương Thế Vinh chỉ nhận được hơn 100 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng số chỉ tiêu trường đăng ký và được giao là 1.000.
ĐH Hòa Bình cũng nhận được khoảng 150 hồ sơ với 600 chỉ tiêu đào tạo cho năm học này. Một trường khác đóng ở tỉnh Hưng Yên là Trường ĐH Chu Văn An cũng chỉ nhận được khoảng 75 hồ sơ xét tuyển, trong khi số chỉ tiêu được giao lên tới 1.000.
Nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển cho các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) NCL, với công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số dư thí sinh có điểm trên mức sàn năm nay lên tới 238.726 thí sinh, đã đảm bảo cho các trường NCL không thể thiếu nguồn tuyển. 
Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã bổ sung nhiều điểm mới trong Quy chế tuyển sinh như không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, miễn không thấp hơn điểm sàn (năm 2012), hay kéo dài thời gian xét tuyển đến 30/10. Tuy nhiên, các biện pháp này hầu như chưa phát huy được hiệu quả.

Giải thích nguyên nhân vì sao các trường NCL ngày càng khó tuyển sinh, lãnh đạo Trường ĐH Đại Nam cho rằng: “Đầu ra của sinh viên trường ĐH NCL hiện nay xã hội không thích. Hơn nữa, nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn sát sàn và học phí lại thấp hơn thì đương nhiên các thí sinh sẽ chọn học chứ đâu chạy ra trường dân lập nữa”.

Còn GS. Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long cho rằng, chính tình trạng nâng cấp, mở ra nhiều trường ĐH công lập vừa qua đã làm các trường NCL gặp khó khăn trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, chính tình trạng nói không với tại chức, dân lập của một số tỉnh, thành đang làm các trường NCL khó khăn trong tuyển sinh.

Ông Văn Đình Ưng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Các trường NCL cho biết, các trường đang hy vọng Bộ GD-ĐT duyệt phương án tuyển sinh đợt 2 vào mùa xuân năm sau để các trường có thể bổ sung nguồn tuyển của mình. Theo ông Văn Đình Ưng thì đã đến lúc Bộ nên giao cho các trường tự tuyển sinh để các trường chủ động phương án đào tạo của mình.

Không thể chụp giật

Sự dễ dãi trong thẩm định và cấp phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã đẩy nhiều trường NCL bước vào giai đoạn khủng hoảng. Vừa qua, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL (gồm trên 80 thành viên) đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về nguy cơ giải thể của các trường này.
Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ GD-ĐT về nhiều vấn đề liên quan nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để cứu các trường NCL, nhiều ý kiến đã được đưa ra như nên có hai loại điểm sàn, bỏ kỳ thi “ba chung” để các trường tự tuyển sinh… Song, những đề nghị này chưa được chấp thuận do thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

Theo Bộ GD-ĐT, để định hướng hoạt động của các trường NCL, Bộ đang gấp rút triển khai soạn thảo Quy chế hoạt động của trường ĐH, CĐ tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh ở một số trường bởi số lượng trường đào tạo các ngành này đã vượt quá nhu cầu của thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay nguồn tuyển có hệ số di chuyển lớn, cộng với cơ chế tuyển sinh mềm dẻo của Bộ GD-ĐT thì các trường không khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được thí sinh vào học bằng uy tín và chất lượng đào tạo của mình.

Về đổi mới tuyển sinh, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, phải sau năm 2015 các trường ĐH, CĐ mới có thể thực hiện phương án tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp để xét tuyển. Khi đó, việc công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ phải kết hợp kết quả đánh giá quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh. 

Đọc thêm