175 nước ký kết bảo vệ “ngôi nhà chung”

(PLO) - Với sự tham dự của đại diện 175 quốc gia, thế giới đã chứng kiến một thời khắc lịch sử khi lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ). 
Toàn cảnh lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đây là sự khẳng định của các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu với thỏa thuận tại Hội nghị COP 21 ở Paris tháng 12/2015, tạo cơ sở pháp lý để văn bản này chính thức có hiệu lực, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.

Mốc lịch sử

Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt bút ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tiếp đó là lãnh đạo các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Đại diện của Mỹ tham gia lễ ký là Ngoại trưởng John Kerry, trong khi người đặt bút ký đại diện cho Trung Quốc là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ trong vai trò đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này. 

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng: “Đây là thời điểm lịch sử. Hôm nay các ngài đang ký một giao ước mới với tương lai”. Đó là Hiệp định Paris dài 32 trang, với nội dung chính là giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời kêu gọi các nước phát triển góp ít nhất 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ khẳng định, Hiệp định này là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và “là cách thức duy nhất để chúng ta cứu trái đất”. Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng, Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, diễn ra đúng vào Ngày Trái đất (22/4/2016), đã trở thành là sự kiện kỷ lục trong ngành ngoại giao thế giới và là bước đi quan trọng để đưa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu lực trước thời hạn dự kiến nhiều năm. Bởi chỉ tiêu đề ra là đến năm 2020, song nếu được các nước phê chuẩn một cách nhanh chóng, Hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2017 hoặc thậm chí ngay trong năm 2016 này.

Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ký Hiệp định Paris.

Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ký Hiệp định Paris.

Lần đầu đồng thuận cao

Như vậy có thể thấy, vượt qua những lợi ích riêng, các quốc gia đã lần đầu tiên đạt sự đồng thuận và thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu chống lại sự “nóng” lên toàn cầu với những hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng. Nỗ lực này xuất phát từ những thảm họa khí hậu đang ngày một phức tạp như El Nino khiến hạn hán hoành hành tại nhiều khu vực của châu Á, mưa lớn, lũ lụt ở Mỹ Latinh.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học “Nature” (Tự nhiên) của Anh, hiện tượng tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1m từ nay đến năm 2100. Nếu điều này xảy ra thì phần lớn lãnh thổ các quốc gia ở Thái Bình Dương sẽ không còn nguyên vẹn như hiện nay.

Cách đây hơn 4 tháng, việc gần 200 quốc gia cùng nhất trí về một thỏa thuận chống lại sự biến đổi khí hậu được xem là một kỳ tích. Các nước trên thế giới đã nhận thức được mối nguy hiểm của sự tăng nhiệt toàn cầu cũng như những tác động của nó đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện và áp dụng các điều khoản thỏa thuận vào thực tiễn vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức ở phía trước.

Thứ nhất là về cam kết giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một trong những trở ngại lớn xuất hiện ngay ở các quốc gia đi tiên phong trong việc ký kết Hiệp định lần này. Mặc dù cam kết giảm 40% lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 nhưng Pháp đang gặp khó khăn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng sạch như gió, thủy triều, mặt trời vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cấu trúc năng lượng của Pháp. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân khi đây là một trong những nguồn cung năng lượng chủ yếu của nước này nhưng cũng là mối đe dọa môi trường tiềm tàng. 

Tại Mỹ, “kế hoạch năng lượng sạch” (Clean Power Plan) của Tổng thống Barrack Obama bắt buộc các nhà máy điện cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ. Theo Hãng tin AP, kế hoạch này là yếu tố quan trọng trong mục tiêu giảm 32% khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 mà Mỹ cam kết tại Hội nghị COP 21. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama sắp kết thúc, khả năng thực hiện được mục tiêu trên lại trở nên khó khăn hơn nữa khi trong thực tế, có đến 40% năng lượng tại Mỹ được sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng than.

Còn đối với các quốc gia đang có tốc độ phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, những cam kết vào phút chót cũng gặp nhiều khó khăn trước cơ cấu nguồn cung năng lượng với tỷ lệ lớn từ than đá, trong khi không thể chuyển sang năng lượng tái tạo do vấn đề công nghệ và các chi phí kèm theo. Các nước xuất khẩu dầu lửa như Saudi Arabia, Iran... và một loạt các quốc gia đang phát triển khác ở khu vực châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, nơi vẫn dựa chủ yếu vào các nguồn năng lượng hóa thạch, cũng đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bế cháu gái đến ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bế cháu gái đến ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tìm cơ chế giám sát

Thứ hai là cần một cơ chế giám sát minh bạch, vững chắc để hiện thực hóa các thỏa thuận trong Hiệp định Paris. Hiệp định Paris quy định, kể từ năm 2018 sẽ có đánh giá toàn cầu 5 năm một lần để xem nỗ lực chung của cả thế giới có đủ sức đạt mục tiêu đề ra ở Paris hay không.

Bắt đầu từ năm 2020, các bên tham gia ký kết sẽ phải bổ sung cập nhật hoặc công bố mới bản kế hoạch hành động quốc gia về mục tiêu, biện pháp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo từng giai đoạn 5 năm. Đây là cam kết tự nguyện và các nước sẽ không phải chịu hình thức xử phạt nếu không hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. Đó là lý do mà nhiều người nói rằng, Hiệp định chưa phải là “hoàn hảo” do không có tính ràng buộc pháp lý đầy đủ.

Nhiều người hy vọng rằng, dư luận cộng với sức mạnh của các phong trào dân sự, tổ chức nghiệp đoàn sẽ có sức ép đủ lớn để buộc các chính phủ không thể phớt lờ những cam kết mục tiêu. Thế nhưng nhiều chuyên gia nhận định, đây có thể là một kẽ hở. Vấn đề là phải có một cơ chế giám sát minh bạch ở cấp độ toàn cầu, lượng định và xác nhận mức phát thải thực tế ở mỗi quốc gia. Chỉ khi nào các nước biết chính xác ai là người tuân thủ, ai là người “thất hứa” và sự được - mất giữa hai thái cực này ra sao thì việc thực thi hành động mới thực chất.

Thứ ba là các nước phát triển phải chứng minh được rằng họ sẽ thực hiện cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này cũng là rất khó khăn khi chưa có một cơ chế ràng buộc cụ thể với các nước phát triển...

Theo Giáo sư Jeffrey D. Sachs - Giám đốc Viện Trái đất của trường Đại học Columbia, Giám đốc mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững của LHQ - việc thực thi hiệp định vẫn là vấn đề đầy nan giải. Chính phủ các nước cần có hướng tiếp cận mới đối với vấn đề này, cụ thể cần linh hoạt, có tầm nhìn dài hạn trên phạm vi toàn cầu.

“Cốt lõi của thách thức biến đổi khí hậu được cho là vấn đề năng lượng. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã ghi nhận các thực tế này, kêu gọi thế giới cần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí CO2, đến mức tối thiểu vào nửa cuối của thế kỷ XXI. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn không chỉ đến năm 2030 mà dài hơn, đến giữa thế kỷ XXI, với các chiến lược phát triển với lượng khí thải ở mức thấp”. 

Mặc dù còn nhiều chông gai nhưng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vừa được ký kết vẫn là một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo vệ hành tinh Xanh. Dự kiến, Hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Việc Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có tổng lượng khí thải chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu, đều đã ký hiệp định là một tín hiệu tích cực giúp thế giới hy vọng vào việc hiện thực hóa một thỏa thuận bảo vệ tương lai của trái đất, sự sống của loài người.

Đọc thêm