Hãi hùng: Người Hà Nội chui qua “cửa miệng tử thần“

(PLO) - Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn ở công trường đường sắt trên cao khiến những người hàng ngày đi qua khu vực này không khỏi thấp thỏm sẽ bị thiệt hại bất cứ lúc nào...
Hãi hùng: Người Hà Nội chui qua “cửa miệng tử thần“
Mỗi ngày, hàng vạn người lao động thủ đô lưu thông qua - giữa - dưới những công trình đó. Với kỳ vọng là một hệ thống tàu điện đô thị tiện lợi, nhanh chóng thay vì phải chờ những giờ tắc đường mệt mỏi chật cứng ôtô và xe máy.
Thế nhưng không phải vì thế mà việc gấp rút thực hiện để hoàn thành nhanh chóng công trình lại diễn ra bất cẩn như vậy. Hàng loạt các vụ tai nạn do thi công các tuyến đường sắt trên cao xảy ra trong thời gian vừa qua khiến không ít người cho rằng, các đơn vị thi công, nhà thầu đang coi thường tính mạng người dân.
Liên tiếp rơi, đổ, sập...
Hẳn ai cũng còn nhớ, sáng 6/11/2014, trong lúc đang thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, 2 thanh sắt xoắn đã bất ngờ rơi từ trên cao xuống tại công trường thi công Nhà ga Thanh Xuân III, thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, đoạn chạy qua đường Trần Phú, quận Hà Đông.
Vụ tai nạn thương tâm làm một nạn nhân tử vong.
 Vụ tai nạn thương tâm làm một nạn nhân tử vong.
Cụ thể, trong quá trình cẩu thép, chiếc cần cẩu phục vụ xây dựng tuyến đường sắt bất ngờ đứt cáp, làm rơi 3 thanh sắt xuống đường, khiến anh Nguyễn Như Ngọc đang điều khiển xe máy qua khu vực này tử vong. Hai người dân là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Nhân bị thương.
Không chỉ dừng lại đó, khoảng 3h sáng 28/12/2014, trụ đỡ đường sắt đang trong quá trình đổ bê tông của công trình thi công đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua số 108b Trần Phú, Hà Đông (đối diện bến xe Hà Đông cũ) đã bị sập.
Một khối bê tông, sắt thép khổng lồ đã đè bẹp một chiếc taxi đang lưu thông phía dưới.
Sau nhiều giờ, chiếc xe mắc kẹt mới được đưa ra khỏi hiện trường.
 Sau nhiều giờ, chiếc xe mắc kẹt mới được đưa ra khỏi hiện trường.
Thời điểm này, ngoài nam tài xế còn có 3 người phụ nữ bị mắc kẹt, la hét ở phía trong. Các công nhân đang thi công vội vàng tìm cách lách đống đổ nát, đập cửa kính taxi để cứu 4 người ra ngoài. Rất may, cả 4 người đều an toàn.
Sau vụ sập bê tông trụ đỡ nói trên chưa đến 1 tháng, một người phụ nữ cũng đã bị thương trong một vụ tai nạn xảy ra tại tuyến đường thi công công trình. Được biết, một chiếc ô tô va chạm làm đổ biển báo chiều cao an toàn khi di chuyển qua phía dưới công trình. Không may, biển báo này đổ trúng người phụ nữ đang điều khiển xe máy và làm chị này bị thương.
Gần đây nhất, khoảng 18h ngày 10/5, tại công trường thi công ga số 4 tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, đoạn trước cửa nhà số 256 phố Hồ Tùng Mậu, một thanh dầm thép dài 9 mét, nặng 630kg đã rơi xuống mặt đường, chắn ngang dòng xe đang lưu thông phía dưới. 
Lúc này có 2 thanh niên đi xe máy kịp thời phanh gấp, dừng xe ngay sát vị trí thanh sắt rơi. Trong đó, một chiếc xe máy đã bị thanh sắt khổng lồ này sượt qua và làm xước phần đầu xe. Một trong 2 thanh niên cho biết, chỉ chạy nhanh khoảng vài giây là anh này có thể đã thiệt mạng.
Cũng trong sáng 12/5, khoảng 9h30', tại công trường thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đoạn chạy qua trước số nhà 341 Nguyễn Trãi, một thanh sắt dài khoảng 1m cũng bất ngờ từ trên công trình rơi xuống lòng đường. 
Đúng lúc này, chiếc ôtô Honda Civic biển số 30M-0070 đang lưu thông dưới lòng đường Nguyễn Trãi hướng từ Hà Đông về Ngã Tư Sở và đã bị thanh sắt rơi trúng cánh cửa phía bên trái. Sự việc khiến phần cửa gần tay mở ôtô bị móp.
Ngay buổi chiều ngày 12/5, chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ sụp, đè vào hai căn nhà trên đường Cầu Giấy. 
Theo các nhân chứng, khi chiếc cần cẩu nằm bên trong công trường thi công đổ ụp xuống, một phụ nữ mang thai 8 tháng đi xe máy gần đó đã bị ngã do dây văng trúng. Cánh tay cẩu nặng hàng tấn nằm đè lên các biển quảng cáo của hai cửa hàng vàng bạc và đại lý sơn. Mảnh nhựa, kính và sắt thép vương vãi khắp nơi.
Chiếc cần cẩu đổ chắn ngang đường Cầu Giấy làm toàn bộ giao thông trên tuyến đường này bị ùn tắc theo hướng về phía Cầu Giấy.
Rất nhiều người hoang mang, lo sợ khi "chui qua miệng tử thần".
 Rất nhiều người hoang mang, lo sợ khi "chui qua miệng tử thần".
Như vậy, tính tới thời điểm này, đã có 6 vụ tai nạn xảy ra tại công trường thi công đường sắt đô thị trên cao. Trong đó, 2 vụ xảy ra tại tuyến Nhổn - ga Hà Nội, 4 vụ còn lại xảy ra trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.
6 vụ tai nạn này đã khiến 1 người chết, 5 người bị thương; 1 chiếc ô tô bị bẹp, hư hỏng hoàn toàn; 1 ô tô khác bị móp cửa; ít nhất 3 xe máy bị hư hại...
Tính mạng con người bị đe dọa.
Điều đáng nói ở đây, sự việc này không chỉ diễn ra một lần mà còn lặp lại nhiều lần khiến cho người dân tham gia giao thông đều lo ngại.
Ai cũng nhớ Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định “Cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, chỗ nào an toàn mới cho thi công”.
Thế nhưng sau mỗi vụ tai nạn xảy ra, ngay lập tức người ta lại thấy các cơ quan chủ quản ở đây là Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội "làm khá tròn vai trách nhiệm của mình" khi gần như ngay lập tức có những hành động "quyết liệt" nhằm trấn an dư luận như: cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, sau đó phê bình người này người kia, thậm chí đưa ra các hình thức kỷ luật.
Tuy nhiên, mặc cho các "chế tài" được cho là khá cứng rắn của các cơ quan quản lý đưa ra, các vụ tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra. 
Thật ra, quy định về đảm bảo an toàn trong thi công đều có cả. Đơn vị thi công nào cũng khẳng định đã thực hiện mọi biện pháp về an toàn nhưng khi sự cố xảy ra, đi tìm nguyên nhân thì lại thấy hầu hết do đơn vị thi công không thực hiện đúng các quy định về an toàn thi công.
Thay vì đi qua, người dân chọn cách đi bên ngoài.
 Thay vì đi qua, người dân chọn cách đi bên ngoài.
Những ai hằng ngày đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi (nơi thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) hay tuyến đường Xuân Thủy (nơi thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) đều dễ dàng nhận thấy việc che chắn, đảm bảo an toàn tại công trình này được thực hiện rất sơ sài, tạm bợ.
Người ta ngăn cách công trường với tuyến đường đông đúc bên ngoài chỉ bằng những tấm tôn dựng lên cao trên 2m. Ở nhiều đoạn, người đi đường phải chui qua gầm những giàn giáo nguy hiểm đầy sắt thép, được căng bên dưới bằng những tấm lưới mỏng manh.

Đọc thêm