"Người lính già" từng vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(PLO) - Từng kinh qua 2 cuộc kháng chiến, từng vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong ký ức người lính già Đoàn Tất Thắng, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đến tận bây giờ dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ở ông vẫn nhớ như in những ngày tháng đó và luôn tự dặn lòng nếu còn sống trên đời ngày nào thì phải giữ một tấm lòng son tuyệt đối với cách mạng.
Ông luôn sống đúng chất anh Bộ đội Cụ Hồ
Ông luôn sống đúng chất anh Bộ đội Cụ Hồ
Kỷ niệm khó phai
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở dải đất cát miền Trung, năm 1948  theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thắng lên đường nhập ngũ. Trong suốt gần 40 năm trong quân đội, ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và đi lính tình nguyện ở Campuchia. Với những nỗ lực cống hiến cho đất nước, ông đã vinh dự được chọn đi cùng 15 Chiến sỹ thi đua xuất sắc của Quân khu V ra Hà Nội dự Hội nghị tuyên dương. Trong lần đó, ông được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  
Hồi tưởng về những kỷ niệm trong lần gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không giấu nỗi sự xúc động, khuôn mặt ông hiện lên rõ niềm tự hào. Ông Thắng nhớ rất rõ: “Trong một lần đi tham quan quanh doanh trại, Đại tướng cười rất tươi, một nụ cười phúc hậu và vỗ vai tôi động viên hỏi chuyện về gia đình, quê hương, sức khỏe và dặn dò, an ủi, động viên cố gắng yên tâm chiến đấu để nước nhà sớm độc lập, về với gia đình”. Trong trí tưởng tượng của mình, ông không thể nào hình dung được một vị Đại tướng, chỉ huy đứng đầu một quân đội nhưng lại đối xử ân cần, gần gũi và dân chủ với cấp dưới đến thế.
Trong suốt buổi trò chuyện, ông Thắng luôn nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thành kính: “Trong tâm trí tôi, Đại tướng là một con người phi thường nhưng lại sống rất giản dị và gần gũi với nhân dân. Tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác khi được Đại tướng bắt tay, dặn dò và cái vỗ vai nhẹ nhàng động viên trước khi tôi trở vào miền Nam chiến đấu. Dù biết rằng Đại tướng ra đi là quy luật của cuộc sống, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào tin đó là sự thật được”.
Giờ đây Bác và Đại tướng đã ra đi mãi mãi, không về. Nỗi đau ấy không của riêng một ai mà đó là nỗi đau đớn tột cùng, một nỗi đau vượt trên cả lý trí, một nỗi đau chung của cả dân tộc Việt Nam mà không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.
Ông Thắng và những Huân, Huy chương được trao tặng
Ông Thắng và những Huân, Huy chương 
được trao tặng
Giữ vững lòng son
“Sau này đất nước có hòa bình, dù còn trẻ hay đã già thì người chiến sỹ vẫn phải biết chăm lo cho cuộc sống của người dân quê mình, vui sau thiên hạ, khổ trước thiên hạ, như vậy mới xứng đáng là một chiến sỹ cách mạng, người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đó là lời dặn dò của Bác và Đại tướng mà 50 năm qua, ông Thắng vẫn luôn đau đáu khi về hưu hành thiện để giúp đỡ những người dân ở quê mình.
Đến năm 1984, ông Thắng về hưu với quân hàm Thiếu tá, mất 41% sức lao động. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già nhưng với đức tính của một anh Bộ đội Cụ Hồ và trên hết là lời dặn dò nên ông không thể “yên phận” được. Thấy người dân quê mình làm nông cực khổ, thường hay bị trật trẹo, nhức mỏi cơ khớp, chạy chữa tốn kém nhiều mà có khi còn không khỏi, vốn là con nhà võ, lại “học lỏm” được các thao tác bấm nguyệt, xoa bóp giải mỏi của các bác sỹ quân y trong chiến tranh, được sự ủng hộ của dân làng, một “phòng khám” ngay trong ngôi nhà giản dị, bình thường của ông đã ra đời. Kể từ đó, ngôi nhà nhỏ của ông trở thành địa chỉ chữa bệnh đáng tin cậy của bà con làng xóm mỗi khi đau ốm, bệnh tật.
Nhớ lại những tháng ngày cùng chiến đấu bên đồng đội, ông kể: “Hồi đó anh em chúng tôi hành quân cả ngày trời mỏi mệt, trong người ai nấy đều nhức mỏi, ê ẩm hết cả. Lúc đó tôi biết bấm nguyệt và xoa bóp nên đã giúp các đồng đội mình giải mỏi, sau đó dạy cho từng người biết cách bấm nguyệt để tự làm cho nhau. Nhờ vậy mà cả tiểu đội tui lúc nào cũng thấy khỏe mạnh, không còn thấy mỏi mệt sau những ngày hành quân dài nữa... Tôi nhớ có lần một đồng chí sau khi ra chiến trường trở về bị trật một bên vai không thể nào cử động được, tôi thấy vậy nên lại bấm nguyệt cho ảnh và rứa là ảnh cử động lại được ngay, sau lần đó ảnh cứ đòi tôi dạy ảnh miết”.
Ông chữa bệnh rất tận tâm và hết lòng. Lẽ thường, người bệnh sẽ tự tìm đến nhà ông, nhưng khi họ không có điều kiện để đến, ông sẽ tự tìm đến tận nhà để chữa trị giúp họ mà không hề than vãn hay đòi một đồng tiền công nào. Cứ thế chiếc xe đạp cà tàng của ông đã lăn qua không biết bao nhiêu vòng trên con đường làng Khương Mỹ,  chỉ mong giúp đỡ cho người dân mà không hề nghĩ đến một điều gì khác. Tiếng tăm của ông ngày một vang xa, người nọ truyền tai người kia, người bệnh tìm đến ngày một đông hơn, không chỉ người dân trong xã mà còn có cả những bệnh nhân ở các vùng trong khắp cả nước. Giờ đây ngày nào cũng có người bệnh tìm đến ông để được bấm nguyệt, xoa bóp. Từ khi về hưu đến giờ, từng ấy thời gian ông Thắng không nhớ hết mình đã chữa bệnh miễn phí cho bao người dân nghèo.
“Do tuổi già, lại phải suy nghĩ nhiều nên đầu óc tôi lúc nào cũng đau ê ẩm hết cả, lại thường xuyên mất ngủ nữa. Tôi đã chạy chữa khắp nơi, từ tây y cho đến đông y, tốn nhiều tiền mà cũng không khỏi hẳn, nhưng nhờ ông Thắng bấm huyệt cho nên giờ đỡ hẳn rồi. Cứ mỗi chiều tôi lại sang nhờ ổng bấm huyệt giúp, tối về ngủ ngon giấc lắm, mấy bữa nay tôi không còn thấy đau đầu nữa” - ông Nguyễn Dục, một bệnh nhân chia sẻ.
Ông Thắng cùng các cựu binh đồng ngũ trong một lần gặp gỡ với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Thắng cùng các cựu binh đồng ngũ trong một lần gặp gỡ với
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong số những người bệnh có không ít người là bạn bè, đồng đội của ông. Ông Võ Hoài Ngọc, một cán bộ Hợp tác xã Mỹ Tân An đã về hưu được ông chữa bệnh giúp tâm sự: “Ông ấy tận tình lắm, bà con ở đây đa số làm nông, công việc nặng nhọc nên hay bị đau cơ, trật trẹo thường xuyên nên đi khám ở các bác sỹ tốn nhiều tiền lắm. Từ khi ông ấy bấm huyệt miễn phí thì bà con nơi đây đỡ vất vả nhiều”.
Mỗi lần chữa bệnh cho một bệnh nhân là ông lại ghi vào sổ đầy đủ tên, bệnh tình và ngày đến khám của người đó cho tiện theo dõi. Cứ vậy, bây giờ ông đã ghi được kín 5 cuốn sổ dày cộm như thế. Khi chúng tôi hỏi tại sao ông lại làm vậy, ông cười phúc hậu nói: “Tôi thấy mình may mắn hơn các đồng đội vì được trở về với gia đình sau những ngày chiến đấu trong mưa bom, bão đạn và được làm một việc gì đó để giúp đỡ cho người dân quê mình, để tiếp tục cống hiến một ít công sức nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước”.
Ngoài việc chữa bệnh giúp dân nghèo, ông cũng dành phần lớn thời gian cho việc viết sử. Khoe 4 cuốn sử mình đã viết xong, ông nói: “Đây là tâm huyết của cả đời tôi đó, tôi đã tổng hợp lại rất đầy đủ tất cả các giai đoạn của lịch sử Việt Nam hồi chiến tranh chống Pháp đến giờ. Đặc biệt trong này tôi có dành rất nhiều trang để kể về cuộc đời và những chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc sử của tui có đầy đủ hết tất cả các giai đoạn lịch sử luôn rồi nên không phải mất công để đi tìm tài liệu nữa…”.
Vì những thành tích và sự cống hiến của mình cho quê hương, ông đã được Nhà nước ghi nhận với nhiều Huân chương như Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương Giải phóng hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất... và hàng chục Bằng khen khác.
Năm nay ông đã 85 tuổi, lại vừa tròn 65 năm tuổi Đảng, con cái ông bây giờ đều thành đạt. Chúng mong ông nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già cùng con cháu, nhưng ông nhất quyết không chịu, ông bảo ngày nào còn sức, đầu óc còn minh mẫn thì ông sẽ còn giúp đỡ cho người dân quê mình. Ông Thắng là một tấm gương về đức tính của một chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ mà khi thấy hành động của ông, người ta nghĩ ngay đến một nhân cách sống đẹp: “Sống là cho đi chứ đâu chỉ nhận riêng mình...”.

Đọc thêm