Gia cảnh thương tâm của người lính hải quân có mẹ bại liệt, con rò tủy

(PLO) - Mười hai năm canh biển, giữ trời, ít ai biết hoàn cảnh thương tâm của Thượng úy Phạm Thành An đang làm nhân viên thông tin tại nhà giàn DK1/12 (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 hải quân). Đau đáu nơi quê nhà là gia cảnh thương tâm, con gái bị rỗng tủy bẩm sinh, mẹ đẻ 12 năm nằm liệt giường do biến chứng từ căn bệnh parkinson. Vợ anh chèo chống việc nhà, dù vững lòng nhưng không giấu được những lúc tủi thân một mình gồng gánh gia đình.
Mẹ của anh An 12 năm nay bị bại liệt, con gái bị rò tủy, phải “sống chung” với dây dẫn từ não xuống tủy sống chờ đến năm 17 tuổi phẫu thuật.
Mẹ của anh An 12 năm nay bị bại liệt, con gái bị rò tủy, phải “sống chung” với dây dẫn từ não xuống tủy sống chờ đến năm 17 tuổi phẫu thuật.
Lương lính lấy đâu 700 triệu đồng chữa bệnh cho mẹ?
Chị Phan Thị Tâm - vợ của Thượng úy An, đang ở khu tập thể C Lữ đoàn 171 Hải quân, phường 11 TP.Vũng Tàu cùng mẹ chồng và hai đứa con. Căn nhà tập thể lụp xụp 16m2 chật chội, trên mái nhà phải căng bạt chằng dây, cạnh cửa ra vào đặt vài cái ghế nhựa cũ mòn. Người vợ lính tươi cười mời khách vào nhà, quay nhìn cô con gái đang học bài, giới thiệu: “Con gái đầu của chúng em đấy, đêm nào cũng nhắc bố. Con gái lớn học lớp bảy, con trai học lớp bốn, những ngày anh ấy mới về, cả bốn vợ chồng con cái ngủ chung một giường, chật một tý nhưng rất vui”.
Thượng úy Phạm Thành An quê ở Nam Định. Từ ngày anh công tác ở nhà giàn DK1 và cưới vợ đến nay đã 12 năm, mặc dù nhớ thương bố mẹ nhưng vợ chồng anh chỉ về quê thăm quê được một lần. Mẹ anh nguyên là thanh niên xung phong năm 1969, bị nhiễm chất độc và bại não nằm liệt giường 12 năm nay. Vợ chồng An đưa mẹ vào Vũng Tàu với hi vọng chữa khỏi bệnh, hồi đầu tháng tư mới đưa bà lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng bác sĩ cho biết, bệnh của bà phải mổ, chi phí hết 700 triệu đồng, số tiền quá lớn mà Thượng úy An phải dành dụm cả đời bộ đội có lẽ cũng không có được.
Thượng úy An ở ngoài khơi xa vẫn thường xuyên gọi điện về động viên vợ con (Ảnh gia đình cung cấp).

Thượng úy An ở ngoài khơi xa vẫn thường xuyên gọi điện về động viên vợ con (Ảnh gia đình cung cấp). 

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, chị Tâm không ngăn được dòng nước mắt mỗi lần nhìn tấm ảnh chồng đang đứng cạnh nhà giàn, nhìn người mẹ chồng già yếu rồi nhìn con gái bệnh nặng vẫn đang say sưa học bài trong góc nhà. “Năm 2001, chúng em cưới nhau, một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Nuôi mãi nhưng càng ngày càng còi cọc và bị sốt liên miên, đem con lên bệnh viện khám mới biết con bị rò tủy, tức là thiếu một đốt sống. Hàng đêm con đau bụng liên miên. Mỗi lần đau bụng, cháu lại gọi điện cho bố để cho đỡ đau”. 
Nhắc đến con, chị Tâm lại khóc: “Năm 2002, cháu đã mổ rò tủy một lần ở bệnh viện Chợ Rẫy, hiện vẫn đặt ống trong người. Bác sĩ nói, năm 17 tuổi phải lên phẫu thuật lấy ống dẫn tủy ra. Hiện trong người cháu có dây dẫn từ não xuống tủy sống. Cháu không kiểm soát được tiểu tiện, đêm nào cũng đái dầm. Học lớp 7 mà còi cọc như lớp 4. Ở ngoài nhà giàn, anh An cũng liên tục gọi điện về động viên 3 mẹ con. Có hôm nghe tiếng anh nghẹn lại trong điện thoại, em biết anh ấy khóc vì thương con”. 
Nhà vách liếp, cựa mình hàng xóm cũng nghe
Với đồng lương ít ỏi của người lính, gia cảnh Thượng úy An càng thêm khó khăn khi hàng ngày phải chạy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ, cho con gái. Qua điện thoại, anh An cho biết, mặc dù thương mẹ, thương vợ con lắm, nhưng anh luôn động viên gia đình và vững vàng tay súng bám biển, giữ nhà giàn.
Trong khi chồng ở ngoài nhà giàn DK1 canh trời giữ biển, chị Tâm ở nhà vừa phải lo cơm áo gạo tiền, vừa cùng con gái đầu lòng vật lộn với căn bệnh rò tủy bẩm sinh. Bệnh của mẹ chồng ngày càng trầm trọng, không đi lại được. Ăn, uống, tắm, giặt, vệ sinh đều nhờ con dâu và cháu nội. Người vợ lính vẫn không ngăn được nước mắt: “Khổ mấy em cũng chịu được, em chỉ mong sao con gái, mẹ chồng lành bệnh. Em không có việc làm ổn định, nuôi vài con gà vịt cũng chỉ thêm chút tiền mua thuốc cho con, cho mẹ. Nhiều lúc em thấy khổ lắm nhưng không biết kêu ai được”.
Nói rồi chị chân thành chia sẻ: “Chẳng giấu gì, khi anh ấy đi rồi, mẹ con em như hụt hẫng. Nhất là những ngày lễ, Tết, thứ bảy, nhìn gia đình họ vợ chồng con cái đèo nhau đi chơi mà thèm thuồng. Căn phòng tập thể nóng như hầm nhưng vẫn phải ở vì không ở thì lấy tiền đâu thuê nhà chỗ khác. Những lần anh An đi nhà giàn về, đêm vợ chồng tâm sự bên này, bên kia nghe hết. Phòng nọ cách phòng kia chỉ một bức vách ngăn bằng liếp, chỉ cần cái cựa mình là hàng xóm nghe được. Chúng em cưới nhau hơn chục năm rồi, nhưng vẫn chưa có tiền mua mảnh đất làm nhà. 
Con gái bị bệnh rò tủy bẩm sinh, nay mẹ chồng lại bệnh hiểm nghèo. Nhiều lúc em cũng tủi thân, nhưng cứ nghĩ đến anh ấy đang ở ngoài nhà giàn sóng gió, em lại cố gắng vượt khó khăn, chỉ mong anh khỏe hoàn thành nhiệm vụ và trở về với mẹ con em”. 
Cô con gái ngày nào cũng nhắc mẹ gọi điện cho bố để nói “ké” vài câu. Cháu hồn nhiên kể: “Cháu nghĩ đến bố nhiều nhất mỗi khi đi học về. Đêm đêm khi đau bụng, cháu lấy chai dầu bố để trên đầu giường xức vào bụng. Có lúc cháu khóc vì vừa đau bụng, vừa nhớ bố, nhưng cháu hiểu bố vắng nhà là phải ở ngoài nhà giàn”.

Đọc thêm