Ước mong 40 năm của người lính từng thành... liệt sỹ

(PLO) - Đã hơn 40 năm sau “trận đánh đường 17” nhưng câu chuyện của ông thương binh - người lính trinh sát năm nào vẫn phảng phất sự đau thương của chiến tranh, sự gian nan trong xây dựng kinh tế thời bình và niềm đau đáu không nguôi khi chưa kịp thắp một nén nhang tri ân lên mộ đồng đội. 
Ước mong 40 năm của người lính từng thành... liệt sỹ
Trận chiến sau ngày ký Hiệp định Paris
Đến làng Ngũ Luân (thuộc xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hỏi thăm ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Hưng, chẳng mấy ai không biết. Kỳ thực, ông Hưng đã thôi giữ chức danh này cách đây nhiều năm, nhưng do cảm mến tính cách năng nổ, chân chất của người cựu chiến binh nên trong tâm tưởng của xóm làng, vị trí cán bộ thôn này vẫn chưa ai thay thế được. 
Ở ngưỡng tuổi ngoại thất thập, cơn tai biến ác tính đã khiến trí nhớ của ông Hưng không còn liền mạch, việc giao tiếp, trò chuyện cũng gặp ít nhiều khó khăn. Tuy vậy, hễ nhắc tới đồng đội, nhắc tới sự hào hùng của những trận đánh là người cựu chiến binh ấy lại trở nên tỉnh táo, hoạt bát. 
Năm 1968, như bao thanh niên cùng trang lứa, ông Hưng lên đường nhập ngũ dù thời điểm đó đang theo học tại Trường Kiến trúc. Sau một thời gian huấn luyện ở khu vực Thanh Hóa, ông nhận được lệnh điều động đi B, vào chiến trường khu vực Đông Nam bộ, làm trinh sát thuộc Đại đội 21, Trung đoàn 4, Quân khu 7. 
“Chắc cả cuộc đời này tôi không thể nào quên được trận đánh ngày 28 tháng giêng năm 1973. Tôi gọi nó là trận đánh đường 17. Sau trận đánh ấy, cả một đại đội 180 người có mình tôi sống sót, 2 đồng đội mất tích. Chiến trận là thế, nó ác liệt và đau xót lắm…” - ông Hưng hồi tưởng.
Theo lời ông Hưng, đúng ngày ký kết Hiệp định Paris 28/1/1973, đơn vị ông được giao nhiệm vụ chống một cuộc càn quét, gom ấp chiến lược trên quy mô lớn của địch. Trận chiến này kéo dài 3 ngày đêm, trên đoạn tiếp giáp giữa đường 17 và đường 19 thuộc khu vực xã Phước Khiển, huyện Long Thành. 
“Trận ấy, tất cả anh em chúng tôi đều nghĩ rằng còn súng còn đạn thì cứ đánh, đánh đến quả B40 cuối cùng mới thôi. Ban ngày đạn bay như mưa, có lúc như rơi ngay trước họng súng của mình. Đêm đến, địch cho máy bay rải một chất lờm lợm, trắng đục như nước cơm lên chiến hào, cây rừng trong vùng. Thứ “nước cơm” ấy mãi sau này tôi mới biết đó là chất độc da cam” - ông Hưng thuật lại. 
Thành liệt sĩ vì… báo tử nhầm
Đến ngày thứ ba trong trận đánh ấy, để thám thính tình hình địch, một Tiểu đội trưởng cùng hào lũy với ông Hưng hy sinh. Quyết không để trống vị trí, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hưng vội nhào lên quan sát và kéo xác đồng đội trở lại chiến hào. Đột nhiên, ông Hưng thấy quang cảnh xung quanh tối sầm. Khi tỉnh lại ông mới biết phần gáy bị một mảnh đạn M79 văng trúng.
Không đợi vết thương kịp cầm máu, ông cùng hai đồng đội tiếp tục lao ra hào phá vòng vây của địch. Bên kia đường 19, ổ phục kích của địch đã vây trọn 3 người, đạn địch dội ra xối xả, ông Hưng chỉ nhớ mình lại trúng đạn rồi ngất lịm. Tỉnh lại, chứng kiến quang cảnh hầm hào hoang vu, người lính trinh sát thầm nhủ có lẽ đồng đội đã kịp rút lui an toàn. Về đến đơn vị, ông mới biết mình là người duy nhất trở về…
Lật giở Huân chương, Bằng khen cá nhân, ông Hưng trầm ngâm nhớ đồng đội.
Lật giở Huân chương, Bằng khen cá nhân, ông Hưng trầm ngâm nhớ đồng đội. 
Ông Hưng kể, trong cái thời bom lửa ấy, sự khó khăn lớn nhất, nỗi đau xé tâm can là việc phải bước qua xác đồng đội để chiến đấu tiếp. “Nếu chết là xác định bỏ xác bởi địch nham hiểm lắm, mỗi xác đồng đội của mình nó gắn hai quả lựu đạn. Một quả ở đầu, một quả ở chân, kíp nổ được giương sẵn, chúng lấy xác đồng đội mình làm bẫy nhử, nếu ai ra thu xác lập tức vướng phải, một xác kéo thêm hai mạng nữa…” - ông Hưng chua xót.
Rời tiền tuyến, người cựu chiến binh ấy mang thương tật 51%, một mảnh đạn găm sâu trong đầu và thân thể nhiễm chất độc da cam. Ngày khoác ba lô trở về quê, chàng lính chiến chỉ còn 36 cân, da bọc xương, vàng ỏng. Dĩ nhiên, với điệu bộ ấy chẳng ai nhận ra ông cả. Bước vào nhà, mọi người càng bất ngờ hơn bởi chẳng ai tin Nguyễn Văn Hưng còn sống. 
Họ tộc, xóm làng đều đinh ninh Hưng chết từ năm 1970.  Thì ra, năm 1970 có một phụ nữ ngược ra từ Đông Nam bộ tìm đến bố ông Hưng và… báo tử. Giải thích chuyện bặt vô âm tín nhiều năm rồi bỗng dưng trở về, ông Hưng nói: “Thời ấy, sống nay chết mai, viết thư hơn 6 tháng mới đến nhà. Trong quãng thời gian ấy, nếu mình chết, việc báo tử về quê sẽ khiến người thân càng đau buồn hơn”. 
…Hơn bốn thập kỷ đã qua, người cựu chiến binh này vẫn mong ngóng về hai đồng đội cùng ông vượt vòng vây trong trận đánh ngày 28 tháng giêng năm 1973. Ông nói: “Trận chiến hôm ấy, cả đại đội còn ba người, ngoài tôi ra còn có một đồng chí ở Hải Dương tên Quỳ, và một ở  Hải Phòng tên Tiết. Chừng ấy năm, giờ chẳng biết hai đồng chí ấy còn sống hay không. Điều tôi mong mỏi nhất lúc này là tìm lại được những đồng đội xưa. Tìm lại những người đồng chí đã hy sinh để thắp một nén hương tưởng nhớ họ”.

Đọc thêm