Phạm nhân thực hiện hình phạt bổ sung tăng hơn so với các năm trước

(PLO) - Ngày 26/11/2015, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp và Tổng cục VIII – Bộ Công an đã ký Quy chế số 911/QCLN phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Sau 8 tháng việc thực hiện Quy chế đã đạt được kết quả ra sao? Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Xin đồng chí cho biết kết quả triển khai việc thực hiện Quy chế trong thời gian qua?

- Triển khai thực hiện Quy chế số 911 ngày 21/01/2016 Tổng cục VIII đã có Công văn số 115/C81-C83 chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trại giam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đến toàn thể cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục VIII, Cơ quan THAHS Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trại giam đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt nội dung Quy chế đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, giúp cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung của Quy chế 911. Các cơ sở giam giữ đã chủ động tuyên truyền, giáo dục, động viên phạm nhân và thân nhân của họ tích cực nộp tiền, tài sản, giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và bàn giao cho cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) có thẩm quyền giải quyết.

Kết quả là phạm nhân và thân nhân của họ thực hiện hình phạt bổ sung là tiền phạt, án phí, bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ dân sự khác tăng hơn so với các năm trước. Nhiều cơ sở giam giữ đã phối hợp với cơ quan THADS giải quyết dứt điểm số tiền còn tồn đọng do phạm nhân nộp để THA.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Việc thực hiện Quy chế số 911/QCLN trên thực tế đã giúp tháo gỡ vướng mắc như thế nào trong công tác THADS đối với người THA là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ?

- Với việc thực hiện Quy chế số 911/QCLN đã giúp cho công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ sở giam giữ được chặt chẽ hơn trong việc trao đổi thông tin về người phải THA là phạm nhân, nhất là việc thông báo, chuyển cho cơ sở giam giữ các quyết định THADS; quyết định uỷ thác THA cho cơ quan THADS khác...; các cơ quan THADS cũng đã tích cực phối hợp với các cơ sở giam giữ trong việc rà soát, thống kê các khoản tiền còn tồn đọng mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại các cơ sở giam giữ. Tổng cục THADS đã đi khảo sát thực tế ở một số trại giam để nắm được những khó khăn, vướng mắc trong việc thu tiền, tài sản của phạm nhân và đã có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm số tiền THADS còn tồn đọng ở các cơ sở giam giữ.

Qua thời gian thực hiện, đồng chí có kiến nghị, đề xuất với THADS và Bộ Tư pháp để thực hiện có hiệu quả Quy chế số 911/QCLN? 

- Thực tế công tác phối hợp THAHS đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Để việc THADS trong các bản án, quyết định hình sự đối với phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam được thuận lợi hơn, Tổng cục VIII có một số kiến nghị, đề xuất sau:

 Đối với Tổng cục THADS:  Chỉ đạo cơ quan THADS kịp thời trao đổi các thông tin với các cơ sở giam giữ về người phải THA, người được THA là phạm nhân và đề nghị chấp hành viên sau khi xác minh điều kiện THA đối với phạm nhân là người phải THA có trách nhiệm gửi biên bản xác minh cho các cơ sở giam giữ để thuận lợi trong phối hợp THADS và làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với phạm nhân.

Tiếp tục chỉ đạo cơ quan THADS phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giam giữ để giải quyết dứt điểm số tiền còn tồn đọng mà phạm nhân, thân nhân của họ đã trực tiếp nộp tại các cơ sở giam giữ từ trước đến nay (đối với các khoản tiền THA không thể giải quyết như bản án, quyết định hết thời hiệu, bản án, quyết định đã thi hành xong...). 

Nghiên cứu, hướng dẫn về việc nhận tiền của phạm nhân hoặc thân nhân phạm nhân tự nguyện nộp để THADS trong trường hợp người được THA chưa có đơn yêu cầu THA hoặc người được THA không có mặt tại địa phương, không rõ nơi cư trú để các cơ quan THADS, các cơ sở giam giữ thống nhất thực hiện.

Để thuận lợi cho các cơ sở giam giữ trong việc chuyển tiền THADS của phạm nhân và thân nhân của họ nộp và không còn tình trạng tiền tồn đọng tại các cơ sở giam giữ, đề nghị Tổng cục THADS chỉ đạo các Cục THADS nơi có cơ sở giam giữ đóng, hàng quý đến cơ sở giam giữ nhận tiền kèm theo danh sách phạm nhân nộp tiền để chuyển cho các cơ quan THADS nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm và chuyển biên lai thu tiền cho cơ sở giam giữ để lưu vào hồ sơ phạm nhân.

 Đối với Bộ Tư pháp: Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn tính lãi suất đối với số tiền chậm nộp THA; hướng dẫn cụ thể việc thanh toán những chi phí mà các cơ sở giam giữ đã chi cho việc thu tiền, chuyển tiền, giấy tờ của phạm nhân nộp tại các cơ sở giam giữ cho cơ quan THADS.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đọc thêm