'Thượng tôn pháp luật' như thế sao?

(PLO) - Tổng Bí thư đã không e ngại chỉ thẳng vào một hiện tượng đáng chê trách trong đội ngũ cán bộ hiện nay như vòi vĩnh, tác phong quan cách, thoái hóa,... tạo ra gương rất xấu cho xã hội.
'Thượng tôn pháp luật' như thế sao?

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đó là việc xem thường kỷ cương phép nước, tự cho mình “ngoài vòng pháp luật”, coi thường sinh mạng chính trị cũng như sức khỏe, thân thể của người dân, bao che lẫn nhau khi xảy ra sai phạm.

Dẫn chứng từ thực tế có rất nhiều, từ những vụ việc nhỏ đến lớn, thể hiện một cách hành xử thiếu tôn trọng pháp luật cũng như đạo lý. Vụ phá rừng ở Sơn Động (Bắc Giang), những người dân thường làm việc đó thì đi tù nhưng ông Chủ tịch xã và con mình là cán bộ tư pháp xã thì chẳng làm sao.

Gia đình ông đã phá trên 25 nghìn mét vuông rừng nhưng kiểm lâm “không biết”, chỉ lúc người dân tố cáo mạnh mẽ thì mới vào cuộc. Nhưng, không thể truy tố trách nhiệm hình sự vì phá rừng dưới 3000m2, không thể xử lý hành chính bởi đã qua thời hạn 2 năm, không xác định được diện tích đã phá vì hiện trường đã thành đồi trọc.

Kiểm lâm làm gì mà không phát hiện ra kịp thời (như với các trường hợp dân thường khác), bảo vệ rừng kiểu gì mà để nó biến thành đồi trọc?. Để rồi duy trì một tình trạng vô luật, bất công: “Quan xử theo lễ, dân xử theo luật” khiến người dân phẫn nộ.

Thói lộng hành, lạm dụng quyền lực được trao của cán bộ xảy ra khá phổ biến. Mới đây, ở Phú Yên, một ông Trưởng công an xã đã bắt một thanh niên tại nhà vào giữa đêm, tra tấn anh này buộc phải nhận tội ném đá vỡ kính nhà ông ta. Gia đình đòi cho đi giám định thương tích thì cơ quan công an ngăn trở.

Liên quan đến chuyện giám định thương tích, một công dân Hà Nội bị một sỹ quan công an đánh ngay tại trụ sở khi ông này đến đó để làm việc, thế mà hơn một năm trời nay sự việc vẫn không được giải quyết, nạn nhân yêu cầu giám định lại thương tích cũng không cho, bảo là thương tích 0% nên chẳng xử lý kẻ đánh người gì cả. Pháp luật ở trong tay họ (hoặc họ tự coi là thế) nên mới có cách hành xử như vậy.

Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền với tinh thần “thượng tôn pháp luật” làm chủ đạo. Để xảy ra tình trạng như các vụ việc ở trên (dù không lớn) chẳng những làm mất niềm tin của nhân dân mà nó cũng góp phần làm suy yếu cả một hệ thống pháp luật và gây nên sự nhiễu nhương trong xã hội và đặc biệt nó hình thành nên thói lộng quyền, hống hách trong đội ngũ cán bộ mà không ai làm gì được cả!

Đọc thêm