Chợ Hàng Da, một địa điểm buôn bán sầm uất tại Hà Nội đang gặp phải rất nhiều khăn về mặt tài chính, trong khi đó, nhiều gian hàng tại chợ này đang bị trả lại.
Tiểu thương chợ Nghĩa Tân lên UBND quận Cầu Giấy phản ứng việc xây chợ mới. |
Một báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng (Incomex) cho biết, do kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần Thương mại Hàng Da – đơn vị quản lý chợ Hàng Da (là công ty con của Incomex) đã thừa nhận tình hình này.
Một lãnh đạo đơn vị quản lý chợ Hàng Da giải thích, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm gian hàng trong chợ này xin nghỉ kinh doanh bởi chợ tạm, chợ cóc bủa vây quá nhiều quanh chợ Hàng Da. Khi khách hàng tìm đến “chợ cóc”, cũng có nghĩa các quầy bán thực phẩm, rau quả tại chợ này bị tê liệt trong suốt cả năm qua.
Nằm ngay mặt đường Lạc Long Quân, chợ Bưởi sau những ngày “truyền thống” cũng đã được Công ty cổ phần Chợ Bưởi bỏ ra 25 tỷ đồng động thổ và xây dựng thành khu nhà hai tầng hoành tráng, kiên cố. Tại tầng một, người ta bố trí bán hàng thịt chó, các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Tuy nhiên, dù khai trương đã nhiều năm qua nhưng mặt bằng của khu chợ vẫn chưa được lấp đầy. Để tận dụng lợi thế đất vàng, ngay mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám, chủ đầu tư đã cho cá nhân thuê làm quán café. Và mới đây nhất, tầng hai của chợ Bưởi đã được các cá nhân vào thuê kinh doanh … tiệc cưới, bida…
Tiểu thương phản đối
Ngày 28/5/2012, hơn 500 phụ nữ là tiểu thương mặc đồng phục màu đỏ đã cùng nhau tìm đến trụ sở UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội. Họ đến đây để phản đối dự án xây chợ Nghĩa Tân mới.
Một tiểu thương kinh doanh ở chợ này cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc họ bị “ức chế” là bởi bức xúc trước thông báo của UBND quận Cầu Giấy về việc “chợ đã đóng thầu” cho một công ty tư nhân xây dựng với quy hoạch dự kiến khoảng 9 - 10 tầng. Việc thông báo “đã đóng thầu”, như thông báo từ chính quyền Cầu Giấy, các tiểu thương nói họ hoàn toàn không biết, không được lấy ý kiến. Trả lời phóng viên, một tiểu thương cho hay, việc cải tạo khu chợ Nghĩa Tân thành khối nhà 10 tầng là không hợp lý, thậm chí là … vô lí.
Theo đó, chợ Nghĩa Tân đang hoạt động tốt, nhiều hạng mục của chợ cũng vừa được cải tạo xây mới. “Người ta muốn lấy đất thì đúng hơn”, tiểu thương tên Liên, cho hay. Trong khi đó, các khu chợ “hàng xóm” như chợ Bưởi, chợ Minh Khai (Từ Liêm) dù được xây dựng hiện đại nhưng khách hàng vẫn vắng hoe, hoạt động không hiệu quả…
Năm 2009, UBND huyện Từ Liêm cũng ra quyết định “phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ Cầu Diễn”. Theo quyết định này, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội là đơn vị trúng thầu với diện tích chiếm đất lên đến 4.620m2, với giá thuê đất 181.000 đồng/m2. Thời hạn khởi công của dự án được ấn định là tháng 11/2009 và hoàn công vào tháng 11/2010.
Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã quá thời gian “khai thác” như hiệu lực văn bản được ban hành, chủ đầu tư của khu chợ Cầu Diễn vẫn chưa thể triển khai gì bởi gặp sự phản ứng mạnh của của tiểu thương trong chợ.
Nhật Minh