Vấn đề được các đại biểu quan tâm và tập trung thảo luận là việc hạn chế hình phạt tử hình và quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Cho rằng dự thảo BLHS sửa đổi đã có tư tưởng và hơi thở mới so với bộ luật hiện hành, tuy nhiên các đại biểu đề xuất nên xem xét một cách cụ thể hơn đối với từng vấn đề sửa đổi. Chẳng hạn với nội dung giảm hình phạt tử hình, phần lớn các đại biểu đều nhất trí tán thành, bởi điều này phù hợp với nhu cầu hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền con người; mặt khác đây cũng là chủ trương theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nhưng việc bỏ hình phạt tử hình cũng nên căn cứ vào tình hình cụ thể của xã hội và tổng kết xem trong thời gian chúng ta bỏ hình phạt tử hình thì tội phạm tăng hay giảm.
“Ngay cả những nước duy trì hình phạt tử hình thì tình hình tội phạm cũng không giảm so với những quốc gia không áp dụng hình phạt này. Vậy gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Nó nằm ở vấn đề xã hội của chúng ta. Theo tôi, nên tổng kết lại quá trình chúng ta duy trì các loại tội phạm áp dụng hình phạt tử hình, xem số lượng phạm tội có giảm đi không? tác dụng răn đe và cải tạo có giảm so với trước đó?”- Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cân nhắc.
Còn ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn pháp luật về Văn hóa- Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thì đề xuất: “Bỏ hình phạt tử hình phải căn cứ vào tính chất của từng loại tội phạm và mức độ ảnh hưởng đến xã hội (hậu quả của hành vi phạm tội) chứ không thể phân biệt bởi giới tính (nữ) hay độ tuổi (trên 75 tuổi- theo dự thảo), vì có những đối tượng 80 tuổi vẫn phạm tội ác nghiêm trọng”.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bên cạnh một số ý kiến phản đối, cũng có nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật của pháp nhân ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn trong việc xử lý và đề nghị tách bạch vai trò của từng cá nhân trong pháp nhân. Pháp nhân là một đơn vị, một tập thể nhưng cần phải cụ thể hóa từng cá nhân trong tập thể ấy cũng như mức độ vi phạm của các cá nhân như thế nào; tránh tình trạng lấy trách nhiệm pháp nhân để lẩn tránh, trốn tránh trách nhiệm cá nhân./.