Trước phiên phúc thẩm vụ tranh chấp đất kéo dài tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu): Nhiều người dân có văn bản cung cấp chứng cứ cho TAND cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan vụ án bà Phạm Ngọc Hà (SN 1958) kiện đòi hủy sổ đỏ Nhà nước đã cấp cho cụ Nguyễn Kim Hoa (SN 1937) với thửa đất 30, 31 tờ bản đồ 14 (số mới 42), đường Phan Chu Trinh, huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; dự kiến TAND cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử ngày 18/12/2023 tới đây. Trước phiên phúc thẩm, một số người dân Côn Đảo có văn bản gửi TAND cấp cao, xác nhận khu đất trên cụ Hoa khai hoang, sử dụng liên tục từ nhiều năm nay.
Khu đất trong vụ tranh chấp. (Ảnh: Lương Hổ)
Khu đất trong vụ tranh chấp. (Ảnh: Lương Hổ)

Văn bản của ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1954), người lập nghiệp và sống tại Côn Đảo từ những năm 1975, khai hoang gần khu đất cụ Hoa; gửi TAND cấp cao; cho hay gia đình cụ Hoa sử dụng 2 thửa đất trên từ trước 1980 đến nay.

Ông Tuấn cho rằng trước đây cụ Phạm Kỳ Dư (cha bà Hà) trong quá trình khai thác đất làm gạch ở khu đất bên cạnh, đã lấn chiếm vào thửa 30 (213m2) của cụ Hoa. Bị cụ Hoa phản ứng, cụ Dư đã trả lại thửa đất này và cụ Hoa giữ nguyên trạng thửa đất đã bị cụ Dư đào thành hố nhân tạo, để nuôi cá.

“Với thửa đất 31 (3346m2) của cụ Hoa, từ trước đến nay cụ Dư không sử dụng một ngày nào”, ông Tuấn cam kết trong văn bản.

Còn có các văn bản của bà Diệp Thị Oanh, Lê Thị Sỹ; ông Nguyễn Văn Hiền, Lê Quốc Hùng, Nguyễn Văn Tươi, Nguyễn Tấn Ngọc (cùng ngụ Côn Đảo), cùng có nội dung xác nhận tương tự như trên, gửi TAND cấp cao.

Ông Trần Văn Đảo (SN 1959) cho biết, là người trực tiếp đi thu thuế nông nghiệp cho huyện đến 2006, khẳng định “trước 1980, bà Hoa cùng các con đồng khai phá khu đất trên để trồng lúa và rau màu; hộ bà Hoa đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước”.

Như PLVN đã phản ánh, theo hồ sơ, năm 1995, có 4 hộ dân ký vào văn bản (trong đó có thể hiện chữ ký “Hoa” và “Nguyễn Kim Hoa”) thỏa thuận nhượng đất để cụ Dư lấy nguyên liệu làm gạch. Cùng năm, huyện ra Thông báo 19/TB-UB tạm giao cụ Dư một khu đất làm gạch; không xác định vị trí ở đâu, số thửa số bản đồ nào, tọa độ nào.

Năm 2006, cụ Dư qua đời. Hai năm sau (2008), sau khi từ Trà Vinh ra Côn Đảo ở, bà Hà tìm thấy Thông báo 19 trong tủ hồ sơ. Mãi đến 2014, bà Hà mới khởi kiện đòi đất, sau khi cho rằng thửa đất 30, 31 nằm trong khu đất cha mình từng được huyện tạm giao.

Trong khi đó, cụ Hoa cho hay không nhượng đất cho cụ Dư. Cơ quan chức năng xác định cụ Hoa hoàn toàn không biết chữ, không thể ký “Hoa” và “Nguyễn Kim Hoa”.

Thửa 30, 31 cụ Hoa tự khai hoang từ những năm 1980, sử dụng liên tục, năm 1999 được huyện cấp sổ đỏ. Cụ Hoa cho rằng con cụ Dư đã nhầm lẫn. Khu đất huyện tạm giao cụ Dư trước kia là diện tích nào đó, không liên quan thửa 30, 31.

Văn bản của một số người dân Côn Đảo gửi TAND cấp cao. (Ảnh: Lương Hổ)

Văn bản của một số người dân Côn Đảo gửi TAND cấp cao. (Ảnh: Lương Hổ)

Phía UBND huyện khẳng định việc cấp sổ đỏ với thửa 30, 31 đã thực hiện đúng luật, đúng thực tế sử dụng đất của cụ Hoa. Với thông báo tạm giao đất cho cụ Dư năm 1995, huyện thừa nhận thiếu sót khi đã không nêu chính xác đó là khu đất nào và đến nay huyện cũng không xác định được đó là khu đất nào.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) đánh giá, toàn bộ hồ sơ cho thấy, trong vụ án này, nguyên đơn và nhân chứng phía nguyên đơn đều chỉ gián tiếp biết về nguồn gốc, quá trình sử dụng 2 thửa đất 30, 31. “Bà Hà mãi đến 2006 mới ra Côn Đảo tiếp quản công việc của cha. Trong khi đó, cụ Hoa và những người làm chứng cho cụ Hoa mới là những người đã quá nửa đời người sống ở Côn Đảo, biết được quá trình cụ Dư và cụ Hoa sử dụng khu đất nào, sử dụng ra sao”, LS Trâm nêu quan điểm.

Trước phiên phúc thẩm, phía cụ Hoa mong mỏi HĐXX sẽ làm rõ một số vấn đề như: Ai đã mạo danh, ký chữ “Hoa” và “Nguyễn Kim Hoa” trong văn bản nhượng đất 1995? Hành vi này có dấu hiệu hình sự hay không? Xác định rõ Thông báo 19 UBND huyện tạm giao đất cho cụ Dư lấy nguyên liệu làm gạch là sai thẩm quyền, vi phạm thể thức nội dung, không phù hợp thực tế, không phù hợp pháp luật, để tuyên hủy văn bản này; từ đó chấm dứt vụ kiện phức tạp kéo dài nhiều năm nay.

Phía bị đơn cho biết rất tin tưởng vào sự công tâm của cấp phúc thẩm sẽ có phán quyết đúng pháp luật, phù hợp chứng cứ các bên đưa ra, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất đã được cấp sổ đỏ đúng luật, bảo vệ sự đúng đắn trong hoạt động quản lý đất đai của chính quyền địa phương.

Theo Bản án sơ thẩm 12/2022/DS-ST của TAND tỉnh, lập luận của nguyên đơn là trước 2013, khu đất này là “những ao nước nuôi các loại cá đồng”, “năm 2014, phía cụ Hoa lập bờ rào bao chiếm 500m2 đổ đất trồng cây sâm đất”.

Phía cụ Hoa phản bác, cho biết ngoài khoảng hơn 200m2 đất cụ Dư từng lấn chiếm lấy nguyên liệu làm gạch (sau này đã trả cụ Hoa) và nay vẫn giữ hiện trạng hố nước; thực tế hơn 40 năm nay khu đất này là đất trồng lúa, rau màu như đúng hiện trạng. Năm 2014, khi chuyển sang trồng sâm là loài “đại kỵ” ngập úng, cụ Hoa có đơn, được UBND huyện có công văn đồng ý cho bồi thêm đất màu. Nhân chứng của Cty đổ đất cho biết đã cung cấp 200m3 đất cho cụ Hoa tôn tạo khu đất. Khối lượng đất màu này chỉ đủ nâng khoảng 500m2 cao hơn vài chục cm, chứ không đủ để san lấp biến khu ao hồ 3559m2 thành hiện trạng như hiện nay.

Đọc thêm