Nghịch lý là trong khi đó, hơn nghìn thầy và trò nhà trường phải dạy, học nhờ trong ngôi trường cũ, xập xệ xây dựng hơn 100 năm qua của một nhà thờ công giáo. Thực tế trên khiến phụ huynh và học sinh trong vùng vô cùng bức xúc.
Công trình “đắp chiếu” nhiều năm
Dự án Trường THPT Vũ Duy Thanh được xây dựng ở xã Khánh Cường để thay thế cho ngôi trường cũ, xuống cấp ở xã Khánh Nhạc. Theo Ban quản lý dự án, công trình được khởi công từ năm 2011 với với tổng vốn dự kiến hơn 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đến năm 2013, nhà thầu đã thực hiện xong khoảng 90% khối lượng. Các hạng mục chính như nhà hiệu bộ, lớp học đã hoàn thiện phần thô chờ lắp cửa, lăn sơn và lát nền, ước tính giá trị khối lượng đạt 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay ngôi trường với quy mô hai dãy nhà 3 tầng xây dựng trên khu đất ruộng rộng 2,47ha ở xã đang bị bỏ hoang. Theo quan sát của chúng tôi, công trình Trường THPT Vũ Duy Thanh bị “đắp chiếu” 2 năm khiến khuôn viên trường trở thành một công trường hỗn độn với những hạng mục chưa được thi công như: đường bê tông trong khuôn viên trường, khu sinh hoạt chung, hệ thống điện. Hai dãy nhà 3 tầng của trường đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa được lắp cửa, quét sơn, vôi ve. Hệ thống điện nước, bàn ghế trong các phòng học chưa có. Do xây xong rồi bỏ hoang, không được tu bổ thường xuyên khiến cho một số bức tường của công trình đã xuất hiện các mảng bám rêu mốc.
Khu đất xây dựng ngôi trường này rộng hàng nghìn mét vuông được bao quanh bởi hệ thống tường rào kiên cố. Cổng trường, nhà bảo vệ cũng đã được xây xong nhưng chưa có hệ thống cửa. Sân trường và khu đất bao quanh hai dãy nhà cỏ dại mọc um tùm, nhiều cây dại mọc cao hơn đầu người. Để vào được trong trường chỉ có một lối mòn nhỏ bên mương nước, tuy nhiên lối mòn này hiện đã bị cỏ dại phủ kín do không có người đi lại thường xuyên. Một số diện tích trong sân trường được người dân cải tạo để trồng hoa màu…
“Lúc trường mới xây dựng, người dân ở đây ai cũng mừng vì con em có ngôi trường mới để yên tâm học hơn, ngôi trường cũ xuống cấp quá, mùa mưa bão, biết sập khi nào đâu. Nhưng trường xây gần xong, giờ bỗng “đắp chiếu” chẳng thấy ai vào dạy, học, thấy lãng phí quá. Giờ cả công trình lớn như vậy mà bỏ hoang, không biết bao giờ mới xong để các cháu học sinh về đây học” - một người dân ở xã Khánh Cường bức xúc chia sẻ.
Được biết, dự án Trường THPT Vũ Duy Thanh được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư xây dựng từ năm 2010, được xem là một trong những công trình trọng điểm của huyện. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, công trình này bỗng nhiên dừng lại không thể tiếp tục thi công những hạng mục tiếp theo. Những hạng mục đã được thi công, cũng không được đưa vào sử dụng mà “đắp chiếu” phủ bụi phơi sương, gây lãng phí, hoài nghi trong dư luận.
Lỗi tại ai?
Trường THPT Vũ Duy Thanh được thành lập theo Quyết định 1171/QĐ- UBND ngày 05/10/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở chuyển đổi từ Trường THPT Bán Công Yên Khánh (thành lập ngày 7/7/2000). Trường hiện có gần 100 giáo viên, khoảng một nghìn học sinh. Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Mai Quang Thuấn - Hiệu phó Trường THPT Vũ Duy Thanh cho biết: "Theo mô hình của năm 2005 trước đây, trường cũ có tên THPT Bán Công Yên Khánh và tách ra từ Trường Yên Khánh A. Năm 2009, trường đã tách thành công lập, đổi tên thành THPT Vũ Duy Thanh, khi trường được tách ra, cơ sở này thuộc khu nhà Tràng nên trường ở tạm khu đất nhà thờ của người công giáo mà huyện đã giao cho 2 trường. Một bên thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên Yên Khánh, một bên thuộc THPT Vũ Duy Thanh. Năm 2010, Trường THPT Vũ Duy Thanh được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án cho xây ngôi trường mới với lý do trường cũ đã xuống cấp".
"Theo đó, năm 2011, trường mới bắt đầu xây dựng do Công ty Cổ phần Đức Thịnh đảm nhiệm từ đường móng, tường rào, đường đi… cho tới năm 2013 mới hoàn thành xong giai đoạn 1 gồm có: khu hiệu bộ dành cho giáo viên, lãnh đạo làm việc và 15 phòng học 3 tầng, tường rào, nhà bảo vệ, nhà y tế,… Tuy nhiên, trạm biến thế thì chưa có nhưng theo quy định mới sẽ cắt giảm phần xây dựng này và Nhà nước hỗ trợ kinh phí, ngân sách tới đâu chủ thầu mới hoàn thiện tới đó" - thầy giáo Mai Quang Thuấn cho biết thêm.
Trong khi những hạng mục đã được thi công trị giá hàng chục tỉ đồng đang nằm phơi mưa, phơi nắng, hàng nghìn em học sinh đáng lẽ đã được học trong ngôi trường mới khang trang này thì lại phải học tạm, học nhờ tại một nhà thờ công giáo được chuyển đổi sang làm trường học với cơ sở vật chất đã xuống cấp, cũ nát. Nhà hiệu bộ hiện phải hoạt động trong dãy nhà tu của nhà thờ với nền tường gạch, vôi vữa đã bong tróc. Hành lang, lan can cầu thang lỏng lẻo rất nguy hiểm cho người sử dụng. Việc phải “ăn nhờ, ở đậu” bấy lâu khiến công tác dạy và học của thầy trò trường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Nghiêm trọng nhất là phòng học của học sinh. Nhà trường có 26 lớp nhưng chỉ hơn 10 lớp được học trong dãy nhà tầng, dù cũ nhưng còn đỡ hơn các phòng cấp 4 tạm bợ. Năm nào trường cũng phải xin hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, bắn mái tôn, lát nền gạch các phòng học này” - thầy Thuấn chia sẻ.
Theo thầy Thuấn, việc ngôi trường mới chưa hoàn thiện bị bỏ hoang nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn bị cắt giảm theo ngân sách nhà nước. Nếu trong giai đoạn 1, nguồn vốn được cấp trên 30 tỷ đồng thì giai đoạn 2 dự kiến ngân sách được cấp lên tới 50 - 60 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, trường đã chuyển sang thi công giai đoạn 2 nhưng nhà thầu mới chỉ nhận được nguồn vốn nhà nước cấp là hơn 11 tỷ đồng ở giai đoạn 1. Do đó, Trường THPT Vũ Duy Thanh mới hoàn thiện tạm thời phần khung, phần bên trong thì bị bỏ lại và dừng xây dựng từ đó đến nay.
Trước thực trạng, một ngôi trường cũ xuống cấp trầm trọng, ngôi trường mới xây dựng dang dở rồi nằm “bất động”, dư luận bức xúc đặt câu hỏi, tại sao trong khi nhiều điểm trường còn thiếu thốn, nhiều nơi không có tiền nâng cấp, sửa chữa trường thì tại khu vực xã Khánh Cường, chính quyền tỉnh Ninh Bình lại bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây trường rồi bỏ hoang, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về đơn vị nào?