Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai: Tư vấn phòng ngừa bệnh suy giảm chức năng nghe

(PLO) - GS.TS.BS Lê Công Định, Trưởng Khoa Tai mũi họng (TMH), Bệnh viện Bạch Mai cho biết những thói quen như tự lấy ráy tai, dùng tăm bông ngoáy tai không đúng cách sẽ làm tổn thương thính giác.  
Thăm khám vòi nhĩ cho một bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai

Về mặt giải phẫu, GS Định cho biết tai gồm có cấu tạo gồm: Tai trong, tai giữa và tai ngoài. Trong đó vòi nhĩ là bộ phận quan trọng của tai giữa. Đây là một ống thông, nối tai giữa với mũi họng.

Chức năng quan trọng nhất của tai là nghe: “Âm thanh được vành tai đón nhận làm rung màng nhĩ và dẫn truyền vào tai trong. Tại đây thông tin được xử lý rồi truyền lên vỏ não”, GS Định giải thích. Chức năng quan trọng thứ hai của tai là bộ phận tiền đình (nằm ở tai trong) cùng với một số bộ phận khác giúp cơ thể di chuyển thăng bằng.

Riêng vòi nhĩ, GS Định nhấn mạnh đây là bộ phận không thể thiếu để đảm bảo chức năng nghe. Bình thường vòi nhĩ đóng và chỉ mở khi cơ thể ngáp, nuốt. Khi ngáp hoặc nuốt, vòi nhĩ đón không khí đi vào tai giữa làm cân bằng áp suất, giúp thông khí.

Ngoài ra vòi nhĩ còn bảo vệ ngăn ngừa dịch, mủ từ vòm mũi họng tràn vài tai giữa. Thứ ba, vòi nhĩ có tác dụng dẫn lưu đưa các dịch nhầy đến vòm mũi họng và đào thải ra ngoài. Trong ba chức năng trên, thông khí đóng vai trò quan trọng  nhất và không thể thiếu trong cấu trúc tai giữa.

Về các bệnh liên quan đến vòi nhĩ, khi bộ phận này bị tổn thương sẽ làm rối loạn chức năng vòi nhĩ. Nguyên nhân có thể do viêm nhiễm (viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng); do các khối u, cơ thể bị dị dạng bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch) hoặc do chấn thương đều có thể ảnh hưởng đến chức năng vòi nhĩ. Y học chia thành hai dạng bệnh lý cơ bản đó là hẹp (một phần hoặc toàn bộ) hoặc giãn rộng vòi nhĩ quá mức.

Làm thế nào người bệnh phát hiện bị bệnh về vòi nhĩ? GS Định liệt kê một số triệu chứng có thể bị rối loạn chức năng vòi nhĩ như: Thấy có tình trạng ù tai, nghe thấy tiếng u u, i i trong tai, cảm giác đầy, đút nút, có nước trong tai. Có thể kèm chóng mặt, mất thăng bằng. 

Dấu hiệu nữa là một người khi nghe đài, vô tuyến không rõ, phải bật âm lượng lớn hơn so với trước. Hoặc nghe điện thoại một bên thấy không rõ tiếng bằng bên kia; Hoặc trong khi nói chuyện thì luôn yêu cầu người đối thoại phải nhắc lại.

Tình trạng suy giảm chức năng nghe có thể diễn biến từ từ, tăng dần, ở cả một hoặc hai bên tai. Bệnh có thể xảy ra đột ngột (điếc đột ngột là một ví dụ). Hiện rối loạn chức năng vòi nhĩ tùy theo mức độ mà có phương pháp khác nhau. Nhìn chung có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

GS Định lý giải, xung quanh ống tai luôn có lớp da mỏng bảo vệ tai tránh các vi khuẩn xâm nhập. Hoặc trong điều kiện nghe âm thanh quá lớn thì lớp màng đóng vai trò là tấm đệm bảo vệ tai. Lớp da mỏng này và các dịch cần thiết sau một thời gian có thể khô lại tạo thành ráy tai. Theo cấu tạo, khi ráy tai khô và đầy sẽ tự rơi ra ngoài do ống tai luôn có độ dốc nhất định. Với những người ráy tai ướt thì khi có cảm giác đầy cần tới bác sĩ vệ sinh đúng cách.

Nguyên nhân nữa gây ra bệnh lý về tai là do người sử dụng máy trợ thính không đúng cách. Hiện một số người cứ có vấn đề “nặng tai” là ra cửa hàng mua máy trợ thính về đeo, không hề được đo mức độ tổn thương để có thiết bị phù hợp. Trong khi mức độ tổn thương chức năng nghe mỗi bệnh nhân khác nhau. Ngay cả trên cùng một gười thì tổn thương ở hai tai đã khác. Chưa kể nhiều máy trợ thính trên thị trường là máy tăng âm thuần túy.

Theo GS Định, có 70% người bệnh đến khoa TMH thăm khám về suy giảm chức năng nghe do sử dụng máy trợ thính không đúng. Làm sao sử dụng máy trợ thính đúng cách? Trước tiên người bệnh phải được thăm khám, đo mức độ tổn thương cụ thể. Từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ có lời khuyên là người bệnh có nên sử dụng máy trợ thính hay không? Nếu sử dụng máy thì hiệu chỉnh tần số phù hợp.

Theo GS Định, để xác định bệnh lý liên quan đến vòi nhĩ cũng như bệnh lý suy giảm chức năng nghe nói chung cần nhiều bước: Trước tiên bác sĩ hỏi bệnh để xem người đó có tiền sử bệnh lý hay dị dạng bẩm sinh, chấn thương gì không. Sau đó bác sĩ sử dụng các phương tiện khám nội soi để đánh giá toàn bộ cấu trúc của tai cũng như vòm mũi họng. Tiếp đó, bệnh nhân được “test” một số thí nghiệm như đo thính lực, đo nhĩ lượng.

Song các biện pháp như nội soi, đo nhĩ lượng, dùng thuốc nhỏ vào tai để đánh giá chức năng tai đều chưa đánh giá hoàn chỉnh chức năng đóng, mở chủ động của vòi nhĩ. Đặc biệt khi vòi nhĩ thủng thì đánh giá rất khó. Từ đó bác sĩ không thể đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất cũng như phác độ điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên với thiết bị tiên tiến là máy đo chức năng vòi nhĩ thì những nhược điểm trên gần như được khắc phục. GS Định cho biết thiết bị này được Nhật Bản tài trợ trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện Bạch Mai và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là thiết bị đo chức năng vòi nhĩ hiện đại nhất lần đầu có ở Việt Nam và đang được các quốc gia tiên tiến ứng dụng trong thăm khám bệnh lý về tai.

GS Định khuyên mọi người nên bỏ thói quen xấu như trẻ em ăn ở tư thế nằm hoặc nằm ngay sau khi ăn dễ khiến thức ăn trào ngược vào tai giữa. Hoặc trẻ bú sữa không đúng tư thế cũng dễ bị sặc khiến sữa và chất dịch tràn vào tai gây viêm nhiễm vòi nhĩ. “Có trường hợp xì mũi không đúng cách, hay những người bị viêm xoang mũi thường ngậm miệng bịt mũi, cũng có thể vô tình đẩy hơi lên tai kéo theo vi khuẩn thâm nhập”, GS Định nói.

Đọc thêm