Băn khoăn về đào tạo 3 chung

(PLO) - Chiều qua (15/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp 
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Pháp lệnh tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, so với yêu cầu cải cách tư pháp và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 thì công tác đào tạo các chức danh tư pháp nói chung, đào tạo nguồn thẩm phán (TP), kiểm sát viên (KSV), luật sư (LS) nói riêng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. 
Đó là chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đào tạo; chưa có chiến lược, kế hoạch đào tạo một cách bài bản, khoa học; chưa có sự thống nhất về tiêu chuẩn của giảng viên, chương trình, giáo trình, thời gian đào tạo cùng một chức danh giữa các cơ sở đào tạo… 
Các bất cập, hạn chế này có một phần nguyên nhân từ sự thiếu hụt về thể chế của công tác đào tạo các chức danh tư pháp nói chung và đào tạo nguồn TP, KSV, LS nói riêng. Do vậy, việc xây dựng Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại phiên họp là nội dung đào tạo chung nguồn TP, KSV, LS. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn LS Việt Nam được đào tạo nghề của ngành mình. 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập các trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án và sắp tới là trường đào tạo nghề của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Vì vậy, nếu thành lập mô hình đào tạo chung cũng sẽ khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào và sử dụng học viên sau khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo của trường đào tạo chung. 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, việc đào tạo nguồn chung này sẽ góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để lựa chọn tuyển dụng, bổ nhiệm TP, KSV và cấp chứng chỉ hành nghề cho LS. Việc đào tạo chung 3 chức danh không ảnh hưởng đến việc đào tạo riêng của các ngành kiểm sát hay LS. 
Ông Hiếu cho hay, theo mô hình đào tạo chung 3 chức danh, người học sẽ được học chung một chương trình và biết được các kỹ năng nghề nghiệp của cả TP, KSV và LS. Xuất thân từ cùng một cơ sở đào tạo, học cùng một chương trình, có cùng cách tiếp cận đánh giá vấn đề, có cùng một nền kiến thức và kỹ năng chung nên những người học sau này tranh tụng với nhau rất thuận lợi, phát huy được nguyên tắc tranh tụng đã được quy định rõ trong Hiến pháp 2013 và đặc biệt, việc đào tạo chung mới có khả năng thực hiện Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp. 

Đọc thêm