Chấp hành mệnh lệnh cấp trên: Công chức được loại trừ trách nhiệm hình sự?

(PLO) - Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì cuộc họp chỉnh lý Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Nhiều nội dung quan trọng của Dự án Bộ luật tiếp tục nhận được ý kiến góp ý hoàn thiện như các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội…
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tại cuộc họp
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tại cuộc họp
Khắc phục tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”
Về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS), Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung 3 trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng gồm chống trả lại người đang dùng vũ khí để chống lại việc bắt giữ hoặc để tiếp tục phạm tội; chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp tài sản; chống trả lại người có hành vi tấn công vào nơi ở của người khác vào ban đêm. 
Nhiều ý kiến nhất trí với việc bổ sung các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng như Dự thảo nhằm nâng cao hiệu quả của chế định này, tạo sự chủ động hơn cho các lực lượng bảo vệ pháp luật, khuyến khích người dân tích cực tham gia tấn công, trấn áp tội phạm. 
Bên cạnh đó, một số ý kiến không đồng tình vì quy định như vậy rất dễ dẫn đến việc lạm dụng. Theo loại ý kiến này, để được coi là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là phạm tội thông thường phải do Tòa án quyết định.
Giải trình vấn đề trên, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo (Vụ Pháp luật Hình sự -Hành chính) cho biết, quy định hiện nay không động viên được người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nhiều trường hợp còn e ngại chống trả lại hành vi xâm hại lợi ích hợp pháp của chính mình cũng như vô tình làm “bó tay” các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống tội phạm, nhất là đối với các tội phạm ma túy, các đối tượng lâm tặc có sử dụng vũ khí chống lại lực lượng bắt giữ. Bởi thế, việc bổ sung là cần thiết, thể hiện sự đổi mới tư duy trong lập pháp hình sự và đây cũng là kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, Đức…
Riêng đối với trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, Dự thảo Bộ luật chỉ loại trừ TNHS trong quan hệ chỉ huy – phục tùng trong lực lượng vũ trang nhân dân. 
Có chuyên gia nêu quan điểm, như vậy là chưa phù hợp mà cần mở rộng đối với cả quan hệ chấp hành, điều hành trong tổ chức bộ máy nhà nước vì Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định rõ việc cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành quyết định của cấp trên mặc dù có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định ấy là trái pháp luật và người đã ra quyết định phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra. 
Nếu được, đây sẽ là một quy định mới nhằm khắc phục tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” đã và đang là căn bệnh nan y trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính.
Áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự với trẻ em
Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người chưa thành niên (NCTN), Dự thảo Bộ luật bổ sung quy định về áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự. Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị cân nhắc quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự vì đây là biện pháp không có tính hình sự nhưng lại xem xét trên cơ sở quy trình tố tụng.
Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính nhận thấy Khoản 2 Điều 69 BLHS 1999 quy định việc miễn TNHS mà không có biện pháp giám sát, giáo dục kèm theo, do đó không phát huy được hiệu quả giáo dục, giúp NCTN phạm tội sửa chữa lỗi lầm. Để nâng cao hiệu quả của chế định trên cũng như bảo đảm hiệu quả giáo dục, giúp đỡ NCTN phạm tội được miễn TNHS, giúp các em trở thành người có ích, tăng cường phòng ngừa vi phạm, Dự thảo BLHS nên quy định cùng với việc miễn TNHS, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp mang tính xã hội kèm theo đối với NCTN và giao cho cơ quan, cá nhân có liên quan thực hiện. 
Trường Đại học Luật đề nghị chỉ nên thu hẹp phạm vi áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do vô ý. Về đề xuất này, đơn vị soạn thảo cho rằng, nhằm tạo sự linh hoạt cho người tiến hành tố tụng cân nhắc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với một số tội rất nghiêm trọng do cố ý nhưng thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, có thái độ ăn năn, khắc phục hậu quả, nhân thân tốt, đặc biệt là có thể áp dụng được với NCTN từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (trừ một số tội rất nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…).

Đọc thêm