Không can thiệp sâu vào hoạt động hội và tôn giáo, tín ngưỡng

(PLO) - Cuối tuần qua, Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì Phiên họp lần thứ 12 của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp 2013 để cho ý kiến về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về hội. 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Đa số các thành viên Hội đồng cho rằng phải đề cao quan điểm hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo cũng như các tổ chức hội.
Báo cáo một số nội dung của Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) Bùi Thanh Hà cho biết: Để theo kịp nhu cầu phát triển của các hoạt động tôn giáo cũng như ổn định tình hình, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhất là cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp 2013 ghi nhận, việc xây dựng Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là cấp thiết và Dự luật có nhiều quy định tương ứng. 
Đặc biệt, Dự thảo Luật ghi nhận, điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo hướng quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Họ cũng được phong chức, phong phẩm, suy cử khi hoạt động cho tổ chức tôn giáo của Việt Nam; được vào tu tại các cơ sở tôn giáo của Việt Nam… 
Trình bày Dự thảo Luật về hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, tính đến tháng 12/2014, có 481 hội hoạt động phạm vi cả nước, hơn 52 nghìn hội hoạt động phạm vi địa phương. Trong đó, không ít hội hoạt động kém hiệu quả, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có xu hướng “hành chính hóa”. 
Vì vậy, bên cạnh các quy định về hội và bảo đảm quyền lập hội của công dân, Dự thảo Luật quy định việc thành lập và hoạt động hội phải thực hiện 3 giai đoạn ứng với 3 quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó là công nhận ban vận động thành lập hội (Quyết định công nhận ban vận động), thành lập hội (Quyết định thành lập hội) và phê duyệt điều lệ hội (Quyết định phê duyệt). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thăng, có loại ý kiến khác cho rằng quy trình thành lập hội như vậy quá phức tạp, cần giảm bớt các trình tự, thủ tục.
Cho ý kiến kết luận về 2 dự luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, để bảo đảm ban hành đúng tinh thần, nội dung của Hiến pháp mới, Dự thảo hai luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. 
“Hiện nay, Nhà nước phải vươn lên để bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân, quản lý phải theo kịp phát triển của xã hội, không thể giữ tư duy là không quản được thì cấm” – Bộ trưởng tâm niệm. 
Riêng với Dự thảo Luật về hội, Bộ trưởng chỉ đạo cần xây dựng thành luật chung mà bất kỳ hội nào cũng phải tuân thủ, nhưng cũng phải thể hiện tính đặc thù của hội. 

Đọc thêm