Không giới hạn người được lựa chọn làm người giám hộ

(PLO) - Qua tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và từ thực tiễn xét xử của Tòa án, chế định giám hộ đã nảy sinh không ít bất cập, vướng mắc. Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi dự kiến những quy định linh hoạt hơn nhưng vẫn rất cần tiếp tục góp ý để hoàn thiện hơn nữa chế định này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Rắc rối thủ tục giám hộ đương nhiên
Thực tế cho thấy việc giám hộ thường hay phát sinh tranh chấp trong trường hợp người được giám hộ có tài sản thì tranh chấp theo hướng giành nhau quyền giám hộ; người được giám hộ bệnh tật, cần sự chăm sóc thường xuyên, tỉ mỉ nhưng không có tài sản cũng dễ phát sinh chuyện đùn đẩy trách nhiệm giám hộ. 
Một vụ việc khá điển hình diễn ra tại TP. HCM cách đây gần 4 năm. Số là, bà N (quận 3) có con tên H (SN 1971) trước làm kế toán trưởng một công ty nước ngoài. Không may, biến chứng sau cơn bạo bệnh lao màng não đã khiến chị H không còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Bà N đã gõ cửa rất nhiều cơ quan để giành quyền giám hộ người con gái nhưng bất thành.
Tháng 4/2011, từ yêu cầu của bà N, TAND quận Tân Bình đã ra quyết định tuyên bố chị H mất năng lực hành vi dân sự. Theo quy định tại Điều 62 BLDS 2005, chồng chị H là người giám hộ đương nhiên của chị. Chỉ khi nào chồng chị không đủ điều kiện thì cha, mẹ mới làm giám hộ. Thế nhưng theo bà N, chồng chị H không lo điều trị bệnh cho vợ bởi anh đã có người phụ nữ khác và có cả con riêng. Bà cũng cho rằng anh đã tự ý bán đi một số tài sản chung của vợ chồng. 
Ngoài việc đưa chị H về nhà mình chăm sóc, bà N còn muốn được thay con rể thực hiện quyền giám hộ đối với chị. Căn cứ vào một số văn bản trả lời của nhiều cơ quan, bà N đã đến UBND phường nơi bà cư trú để đăng ký làm người giám hộ cho chị H. Tuy nhiên, yêu cầu đã nêu của bà N khi ấy không được UBND phường chấp thuận với lý do chưa có hướng dẫn về giám hộ đương nhiên.
Một trường hợp khai di sản thừa kế cũng bị vướng vì công chứng viên không chấp nhận thông báo xác nhận mà yêu cầu phải có quyết định công nhận giám hộ đương nhiên, trong khi người dân thì không thể làm được vì pháp luật không quy định. 
Cuối năm 2011, cha ông H (quận 4, TP.HCM) mất, để lại di chúc cho ông hưởng thừa kế một căn nhà. Tuy nhiên, trong số anh chị em đều đã thành niên, có một người anh 45 tuổi bị bệnh tâm thần từ nhỏ nên theo luật, người anh này đương nhiên được thừa kế di sản của người cha, không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Mẹ ông H đã gửi đơn ra TAND quận 4 yêu cầu tuyên bố người anh của ông mất năng lực hành vi dân sự. 
Tháng 3/2013, Tòa án đã ra quyết định chấp thuận yêu cầu này và còn nêu: “Mọi giao dịch của người anh do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”. Tưởng vậy là xong nên ông đã đem tất cả giấy tờ đến yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản. Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ yêu cầu mẹ ông đến UBND phường nơi đang cư ngụ để đăng ký việc giám hộ và nộp quyết định công nhận giám hộ cho người anh thì mới được giải quyết. Có điều, UBND phường 3 không ra quyết định mà chỉ ra thông báo mẹ ông H là người giám hộ đương nhiên cho người anh của ông. 
Quá trình xét xử của TAND các cấp thì cho thấy, có rất nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng xin ly hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự, trong khi theo quy định của BLDS hiện hành thì người vợ, người chồng đó lại là người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, quyền lợi của họ lại mâu thuẫn với nhau, rất dễ gây thiệt hại cho người bị mất năng lực hành vi dân sự, quyền lợi của người được giám hộ sẽ không được bảo đảm. Ngoài ra, mặc dù BLDS đã quy định về giám hộ đương nhiên nhưng chưa có quy định về thủ tục, thẩm quyền công nhận giám hộ đương nhiên. 
Sẽ quy định linh hoạt hơn
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Dự thảo Bộ luật quy định theo nguyên tắc xác định người giám hộ theo ý chí của người cần được giám hộ trong trường hợp họ là người thành niên cử người giám hộ cho mình trước khi lâm vào tình trạng cần được giám hộ với hai điều kiện là việc cử giám hộ này phải được lập thành văn bản có công chứng và người được sự đồng ý làm người giám hộ. Người giám hộ cũng được xác định theo sự thỏa thuận của người thân thích của người cần được giám hộ (người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bao gồm người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời). 
Trường hợp người thân thích không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ. Người giám hộ phải tạo điều kiện để người khác nói chung, người thân thích của người cần được giám hộ nói riêng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ
Dự thảo Bộ luật cũng bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền được giám hộ theo nguyên tắc việc giám hộ được thực hiện theo yêu cầu của chính người này, của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. Việc giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có sự đồng ý của người này nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm có yêu cầu về giám hộ...
Cho rằng đối với chế định giám hộ, Bộ luật cần lấy nguyên tắc tôn trọng, đảm bảo quyền thỏa thuận, lựa chọn của những người thân thích có liên quan đến việc chọn người giám hộ cho người được giám hộ, đại diện UBND TP.HCM đồng tình là người được lựa chọn làm người giám hộ không bị giới hạn trong phạm vi người thân thích mà có thể là bất cứ một người nào khác, miễn là người được chọn đồng ý làm giám hộ và đáp ứng đủ các điều kiện để làm người giám hộ theo luật định. Tuy nhiên, vị đại diện kiến nghị Bộ luật cũng cần quan tâm đến việc quy định rõ trách nhiệm của những người nằm trong đối tượng có thể chọn làm người giám hộ đương nhiên, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, có điều kiện song muốn đẩy gánh nặng cho xã hội.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất bổ sung thêm một khoản quy định về quyền của bố, mẹ đẻ người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự được yêu cầu thay đổi người giám hộ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ. Không những thế, khi bổ sung các quy định về việc giám hộ cho người dưới 18 tuổi và người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi cần tính đến khía cạnh xác định người giám hộ trong trường hợp ly hôn./.

Đọc thêm