Kịch bản phim Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và những điều chưa biết

(PLO) - Theo Kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, Tổ xây dựng Kịch bản Phim tài liệu về ngành Tư pháp của Văn phòng Bộ đã tích cực, khẩn trương bắt tay vào việc lựa chọn, sưu tầm tài liệu, tư liệu và khởi thảo những bản dự thảo kịch bản đầu tiên.
Những tìm tòi, bao suy tư và trăn trở qua những trang sử hào hùng và cả những năm tháng thăng trầm của Bộ Tư pháp trong lịch sử đất nước được chất chứa qua mỗi trang dự thảo ấy.  
Bộ Tư pháp những ngày mới chuyển về 58 – 60 Trần Phú, Hà Nội
Bộ Tư pháp những ngày mới chuyển về 58 – 60 Trần Phú, Hà Nội 
Tìm về trụ sở đầu tiên của 
Bộ Tư pháp
Trở về những ngày đầu thành lập, những bước đi chập chững của Bộ Tư pháp trong chính quyền cách mạng non trẻ, một câu hỏi thường được đặt ra là trụ sở đầu tiên của Bộ ở đâu? Tra cứu từng trang tư liệu Ngành, lật giở từng dòng hồi ký của hai Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh và Vũ Đình Hòe mà vẫn không thể tìm được câu trả lời thật xác thực. 
Thật may mắn, qua quá trình nghiên cứu tổng hợp những nguồn tư liệu khác, TS. Nguyễn Đức Giao, một thành viên của Tổ cho rằng: Sau khi Bộ Tư pháp được thành lập trong Chính phủ lâm thời, trụ sở Bộ đóng ở 43 Phan Chu Trinh (43 phố Rollandes - Tòa án cai trị cũ). 
Căn cứ của nhận định nêu trên là bản Thông cáo của Chính phủ về việc lấy ý kiến vào bản Dự thảo Hiến pháp năm 1946 được công bố trên Báo Cứu quốc ngày 10 tháng 11 năm 1945 với nội dung: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình. Ai muốn hỏi điều gì hay muốn đề nghị sửa đổi điều gì trong bản Dự án Hiến pháp thì cứ viết giấy gửi đến Bộ Tư pháp ở số 43 phố Phan Chu Trinh, Hà Nội (tức là 43, phố Rollandes, Tòa án cai trị cũ”. 
Với lịch sử phải có trách nhiệm, thẳng thắn và trung thực
Có một thực tế trong lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành là năm 1958, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa I đã quyết định thành lập Tòa án Tối cao và Viện Công tố Trung ương, coi như là những cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và độc lập với Bộ Tư pháp (Tìm hiểu Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1976, tr.287). 
Đã có một số tài liệu nghiên cứu lịch sử Ngành cố gắng lý giải về việc “giải thể” Bộ Tư pháp trong giai đoạn 1960-1972 và mãi đến năm 1981 mới được thành lập lại (Viện Khoa học pháp lý: 50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam (Đề tài cấp Bộ), năm 2002, tr.30-32). Đây cũng là một nội dung còn “để trống” trong bộ phim tài liệu kỷ niệm 60 năm của Ngành. 
Tổ xây dựng kịch bản thấy rằng cần phải có thái độ trách nhiệm, thẳng thắn và cần thể hiện trung thực sự kiện lịch sử này. Vì vậy, Tổ xây dựng đề xuất thể hiện lời bình về giai đoạn lịch sử này của Ngành như sau: “Sau khi kháng chiến thành công, đất nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong điều kiện, hoàn cảnh mới, Bộ Tư pháp không còn được quy định trong thành phần của Chính phủ, công tác tư pháp được giao cho nhiều cơ quan khác thực hiện…”.
Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ phim trong thời gian tới, đề nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ và cung cấp cho Văn phòng Bộ những tư liệu, tài liệu về quá trình xây dựng và phát triển của Ngành Tư pháp.

Đọc thêm