Luật sư có 'đối đầu' cơ quan tố tụng?

(PLO) - Tâm lý “đối đầu”, “đề phòng” với luật sư của một số cơ quan tiến hành tố tụng cũng là một nguyên nhân khiến luật sư gặp khó khăn, thậm chí có luật sư bị chính người tiến hành tố tụng đe dọa, khống chế khi hành nghề.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại hội thảo tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư (LS) do Liên đoàn LS Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng qua (14/3), LS và các cơ quan tiến hành tố tụng đã phân tích thực tiễn để tìm được tiếng nói chung về “chỗ đứng” của LS trong tố tụng hình sự.

Có luật sư “cãi” để hạn chế oan, sai

Thực tiễn đã chứng minh, khi LS và người tiến hành tố tụng làm hết trách nhiệm và bổn phận luật định, có sự tôn trọng và giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau sẽ tránh được oan, sai trong tố tụng hình sự. Vì thế, LS Nguyễn Thị Kim Thanh, Đoàn LS TP Hà Nội phản ánh, đa số các phiên tòa không còn tình trạng LS bị ngắt, yêu cầu dừng thực hiện quyền tranh tụng ngay cả khi những vấn đề còn vướng mắc, vấn đề cần làm sáng tỏ như trước, thậm chí tòa án cũng không hạn chế thời gian cho LS trình bày bài bào chữa và đối đáp như ở Hà Nội. 

Từ thực tiễn xét xử, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ nhận xét, LS ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xét xử hình sự, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng pháp luật và dần nâng cao chất lượng tranh tụng, góp phần giúp tòa án giải quyết đúng đắn vụ án và giúp hoạt động tố tụng “không bị áp đặt chủ quan một chiều”.

Thừa nhận từng có tình trạng “nể nang, ngại va chạm” mà kiểm sát viên không “sát sao” trong quá trình kiểm sát hoạt động tố tụng, ông Phương Hữu Oanh – Vụ trưởng Vụ 10, VKSNDTC đánh giá, sự tham gia của LS đã thực sự là kênh phản biện cho hoạt động tố tụng khi “dám cãi” lại điều tra viên, kiểm sát viên. Nhờ đó, góp phần hạn chế oan, sai và thực hiện tốt nhất những quy định quyền con người, quyền công dân.

Mong hết cảnh luật sư “tranh tụng…  một mình”

Thực tế, theo một số LS, trong giai đoạn điều tra, LS mắc phải nhiều khó khăn, vướng mắc do chính các chiến thuật nghiệp vụ và thái độ “bất hợp tác” của điều tra viên. Không kể một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “án điểm” với “đường lối xử lý” được chỉ đạo.

Do đó, LS Hoàng Ngọc Biên cho rằng, “góc khuất” của vụ án này thường có sự tác động, chỉ đạo nên LS thường rất khó khi tham gia, có nhiều lý do cản trở để vô hiệu hóa LS …

Không ít lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng phản ánh “có những LS vì bảo vệ thân chủ mà cứ cãi chày cãi cối”, nhưng Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, LS Đỗ Ngọc Thịnh thanh minh, đó cũng là do kiểm sát viên chưa thể hiện vai trò trong tranh tụng tại phiên tòa. Chỉ LS tranh luận, còn kiểm sát viên cứ “giữ nguyên quan điểm” thì không thể là tranh tụng và khiến bị cáo khó “tâm phục, khẩu phục”.

Từ góc độ cơ quan xét xử, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ thì chỉ ra một số LS thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong hành nghề, cá biệt có LS còn “cò quay” đương sự…

Như vậy, để sự tham gia của LS không bị cản trở, hạn chế hay “gây khó” cho các hoạt động tố tụng, nhiều ý kiến kiến nghị phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng LS bằng chính kinh nghiệm hành nghề của thành viên vì “không ai dạy nghề giỏi hơn những người đã hành nghề”. Việc đào tạo, bồi dưỡng LS phải được tiến hành liên tục, chuyên sâu, không thể cứ “cầm cái bằng từ 20, 30 năm trước mà hành nghề”.

Đọc thêm