Người có 2 quốc tịch lại bị dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh "bỏ sót"?

(PLO) - Cho ý kiến vào một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý đây là một dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, vì thế cần nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của Dự thảo Luật theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và đảm bảo cải cách thủ tục hành chính.
Về Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị: chỉnh lý Điều 1 và Khoản 1 Điều 3 để xác định rõ người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước khác và người không quốc tịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng: Dự luật đã bỏ sót trường hợp người có 2 quốc tịch (một là quốc tịch Việt Nam và một là quốc tịch nước ngoài) khi nhập cảnh vào Việt Nam. “Khi người có 2 quốc tịch ở Việt Nam thì họ dùng tư cách nước ngoài hay người Việt Nam, có áp dụng cơ chế như người nước ngoài không, khi vào Việt Nam, anh dùng quốc tịch nào” - ông Thi đặt câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý kiến nghị xử lý theo hướng người có 2 quốc tịch vào Việt Nam bằng quốc tịch nào thì bị điều chỉnh theo quy định đó. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần quy định người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam. 
Còn vấn đề người Việt Nam có 2 quốc tịch thì giải quyết theo cách: khi họ nhập cảnh vào Việt Nam mà sử dụng hộ chiếu Việt Nam thì là công dân Việt Nam, còn nếu họ sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải chịu quy chế như người nước ngoài. Đối với người không có quốc tịch là người không mang quốc tịch của nước nào. Giải thích cụ thể thì hệ thống pháp luật sẽ thống nhất.
Liên quan đến quy định đơn phương miễn thị thực, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước và giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập.
Mặc dù vậy, ông Khoa cũng cho biết thêm, một số ý kiến được tập hợp từ các Đoàn Đại biểu Quốc hội cho rằng nên quy định như Dự thảo ban đầu được Chính phủ trình, theo đó "Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đơn phương miễn thị thực cho từng nước", vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.
Dự luật mới cũng quy định về các trường hợp chưa cho nhập cảnh bao gồm không đủ điều kiện nhập cảnh; trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm; bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng; vì lý do phòng, chống dịch bệnh; vì lý do thiên tai, thảm họa; vì lý do quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Đọc thêm