Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong công tác THA Dân sự

(PLO) - Bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ thể chế pháp luật đến cơ chế chính sách, điều kiện vật chất và nguồn nhân lực có trình độ cao thì tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội đối với công tác THADS trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết.

Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong công tác THA Dân sự
Thành ủy chỉ đạo, thi hành án đạt nhiều kết quả quan trọng
Sau khi được hợp nhất và mở rộng, công tác THADS đã nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 04/5/2012 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác THADS trong tình hình mới, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp với cơ quan THADS. 
Các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương đã tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác lãnh đạo đối với THADS. Thể chế THADS dần được bổ sung và hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác THADS đã được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ban Chỉ đạo THADS đã được củng cố và kiện toàn ở các cấp, đảm bảo số lượng và thành phần quy định. Hệ thống tổ chức cơ quan THADS tại các địa phương đã được củng cố, tăng cường về cơ sở vật chất. 
Trong xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của đại bộ phận nhân dân được nâng lên, dân chủ được mở rộng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân được bảo vệ, án oan sai, không có điều kiện thi hành đã được hạn chế. 
Đó là những cơ sở để THADS thành phố Hà Nội khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm TP đều giải quyết trên 22 ngàn việc thi hành án với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.
Coi trọng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo
Từ thực tiễn lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội đối với công tác THADS những năm vừa qua có thể rút ra những kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và tăng cường, đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và trước hết là trong Ban Thường vụ là nhân tố quan trọng hàng đầu để Thành ủy lãnh đạo công tác THADS đạt kết quả cao.
Thứ hai, thành ủy và các cấp ủy cơ sở phải đổi mới tư duy, có nhận thức đúng đắn về vai trò, chức năng của THADS trong hệ thống chính trị, trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Cần coi việc lãnh đạo công tác THADS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền cơ sở trong điều kiện hiện nay. Nhận thức ấy phải được thể hiện bằng những chủ trương, quyết định đúng và các giải pháp cụ thể, thiết thực để lãnh đạo công tác THADS đáp ứng được nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Thực tế trong những năm vừa qua, mặc dù do thực hiện công tác mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, địa bàn rộng, số lượng vụ việc phải thi hành lớn, trong đó có nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, quá trình tổ chức thi hành án đương sự có nhiều đơn khiếu nại và có nhiều áp lực đối với cơ quan THADS; thêm vào đó, tình hình kinh tế trong và ngoài nước thời gian qua diễn biến phức tạp, tình hình lạm phát trong nước tăng cao đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế và xã hội, làm phát sinh nhiều tranh chấp về dân sự, kinh tế, phá sản doanh nghiệp, dẫn đến số việc và giá trị phải thi hành án tăng nhanh, tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp về lao động, kinh tế, thương mại, quyền sử dụng đất và phá sản doanh nghiệp, dẫn đến việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn. 
Song, công tác THADS vẫn đạt được nhiều kết quả đáng quan trọng, tỉ lệ các bản án được thi hành đạt chất lượng cao, án tồn đọng giảm so với nhiều năm trước đây. Điều đó là do Thành ủy và các cấp ủy đã có nhận thức đúng đắn và đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của công tác THADS, biết phát huy vai trò của từng tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên không nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, chức năng, quyền hạn của công tác THADS thì ở nơi đó kỷ cương của xã hội không được đảm bảo, pháp luật bị xem nhẹ; phán quyết của Tòa án không được thực thi một cách nghiêm túc; trách nhiệm giữa các bên trong thực thi các bản án không được giải quyết kịp thời và hợp lý; mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền các cấp không được củng cố vững chắc, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân bị vi phạm.
Thứ ba, cần coi trọng và tập trung mọi nỗ lực tạo bước chuyển biến quan trọng về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác THADS. 
Thứ tư, chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức THADS từ thành phố đến cơ sở vững mạnh; coi trọng xây dựng bộ máy THADS cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ THADS có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm và kinh nghiệm thực thi quyền lực pháp luật là yếu tố đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo của Thành ủy đối với THADS. 
Thứ năm, đề cao trách nhiệm của chính quyền từ thành phố đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi  về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để công tác THADS hoạt động có hiệu quả. 
Thứ sáu, tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan THADS cấp trên để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, củng cố tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu công tác THADS trong giai đoạn mới. 
Thứ bảy, tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; sơ kết, tổng kết rút ra những kinh nghiệm là phương thức lãnh đạo đem lại hiệu quả cao của Thành ủy và các cấp ủy cơ sở đối với công tác THADS. Bởi, tăng cường hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời các sai phạm, có cơ chế kiểm soát cũng như mở rộng sự giám sát của nhân dân, nhất là của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để hạn chế thấp nhất những sai phạm và tiêu cực trong THADS.n

Đọc thêm