Luật sư phản bác ngụy biện của 2 bảo mẫu bạo hành trẻ

(PLO) - Ngay khi đoạn clip hành hạ trẻ tại cơ sở trông giữ trẻ Phương Anh, quận Thủ Đức, TP HCM, được đăng tải trên Internet, dư luận thể hiện sự phẫn nộ, bất bình và cả lo ngại... Luật sư, Thạc sỹ luật Trần Thị Ngân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thông tin những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Luật sư phản bác ngụy biện của 2 bảo mẫu bạo hành trẻ
- Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM đã ra quyết định bắt giam, khởi tố hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý của nhà trẻ tư nhân Phương Anh về hành vi hành hạ người khác. Theo bà việc khởi tố hai đối tượng về tội danh đã này có thỏa đáng?
- Cấu thành tội phạm của tội hành hạ người khác chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người lệ thuộc như đánh đập, bỏ đói, giam cầm… Tội danh này không đòi hỏi phải gây hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc mà chỉ cần hành vi đó thể hiện sự tàn ác ở một mức độ nhất định so với các chuẩn mực cư xử được pháp luật quy định hoặc những chuẩn mực đạo đức. 
Tuy nhiên, qua clip được đăng tải, với các hành vi như bóp cổ, tát, nghiêng lắc mạnh đầu trẻ, dí đầu trẻ sát mặt bàn và đánh đập, đưa đầu trẻ vào thùng phuy nước, đặc biệt khi trẻ nhỏ đang ăn, đang bị nôn ói - là khi trẻ rất dễ bị sặc sữa, sặc cháo sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Hậu quả có thể xảy ra như ngẽn đường thở, tử vong. 
Tôi cho rằng, cần xem xét hành vi của các bảo mẫu với tội danh "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. 
- Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai mục đích của họ nhằm giúp đứa trẻ ăn uống tốt hơn, có nề nếp hơn. Liệu đó có phải là một "tình tiết giảm nhẹ”? 
- Không thể xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ bởi theo nhận thức thông thường nhất, không thể đưa trẻ vào nề nếp hoặc ăn uống tốt hơn bằng các hành vi đánh đập như các bị can đã thực hiện. Nếu coi đây là nhận thức lạc hậu để xem xét tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm k Điều 46 Bộ Luật Hình sự (Điều luật quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự), cũng không thỏa mãn. 
Bởi tình tiết "phạm tội do lạc hậu" chỉ được áp dụng nếu sự lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại. Như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết đúng sai trong cuộc sống. 
Tuy nhiên, với Lê Thị Đông Phương, theo thông tin báo chí đưa tin, Phương là người có bằng đại học chuyên ngành giáo dục mầm non, đã học thêm sơ cấp cứu căn bản, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp quản lý chủ trường, lớp cấp dưỡng. Và trước khi mở cơ sở trông giữ trẻ Phương Anh, Phương đã có kinh nghiệm nuôi giữ trẻ ở một Trường Mầm non công lập. Như vậy, không thể xem xét Phương phạm tội do nhận thức lạc hậu. 
Đối với Nguyễn Lê Thiên Lý, người này cũng đã học hết lớp 12, đang theo học nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, sinh sống và làm việc tại vùng đông dân cư…, cũng không thể xem xét là không có điều kiện thực tế để nhận biết đúng, sai. 
- Hình phạt nào có thể được áp dụng cho hai bảo mẫu này, thưa bà?
- Hội đồng xét xử sẽ căn cứ nhiều tình tiết để quyết định tội danh cũng như hình phạt cho các đối tượng. Trường hợp kết luận điều tra cho thấy hành vi phạm tội thuộc tội danh "Hành hạ người khác" như quy định tại Điều 110 Bộ Luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất cho tội danh này là 3 năm tù giam.  
Trường hợp giám định thương tật cho thấy tỷ lệ thương tật của các cháu là từ 11% đến 30%, các "bảo mẫu" có thể đối diện tội danh "Cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù giam. 
Trường hợp tỷ lệ thương tật là dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em, áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 104, các bị can có thể nhận hình phạt đến 3 năm tù giam. Bên cạnh đó, tòa án khi xét xử, ra bản án sẽ xem xét áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, quản chế…
- Dưới góc độ luật pháp, theo bà ngoài hành vi của các bảo mẫu, còn những vấn đề gì cần phải được nhìn lại?
- Cần nhìn thẳng vào cơ chế quản lý đối với giáo dục nói chung và giáo dục mầm non. Một thực tế mà ai cũng biết, người dân cũng biết, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng biết là chúng ta đang quá thiếu trường cho trẻ.
Trường mầm non công lập thì quá đông, trường tư đạt chuẩn thì học phí quá đắt so với thu nhập bình quân của người dân. Nhiều gia đình không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi trẻ vào các nhóm trẻ, lớp mầm non tự phát dù họ biết ở đó con em họ không được chăm sóc đầy đủ.
Tuy nhiên, không thể vì thực tế đó mà buông lỏng quản lý Nhà nước. Có lẽ, nhiều độc giả cũng đang đặt câu hỏi trách nhiệm của người quản lý, cơ quan quản lý ở đâu khi để một cơ sở như vậy ngang nhiên tồn tại.
Tôi cũng mong các bậc phụ huynh đừng "thỏa hiệp" với bất kỳ sai phạm nào của nơi mà mình đang gửi gắm con cái. Sự thỏa hiệp của chúng ta sẽ làm cho những sai phạm tiếp tục phát triển, rất có thể sẽ xảy ra những điều đáng tiếc hơn.

Đọc thêm