Tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng

(PLO) - Đương nhiên xóa án tích là một chế định quan trọng, thể hiện nguyên tắc nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa và tôn trọng quyền con người của pháp luật hình sự Việt Nam. Với sự ra đời của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều quy định mới về chế định này, đòi hỏi Luật LLTP phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Hình minh họa
Hình minh họa

Giúp người bị kết án không mặc cảm với quá khứ

Ngày 4/8/1999, TAND TP HCM xử phạt ông N.Đ.T.A 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” tại Bản án số 1590/HSST. Ông T.A đã chấp hành xong hình phạt tù năm 2000 (giấy chứng nhận đặc xá tha tù trước thời hạn do Trại giam Chí Hòa – Công an TP HCM cấp ngày 1/9/2000), đã thi hành xong phần án phí (văn bản xác nhận thi hành án ngày 29/4/2011 của Cục Thi hành án dân sự TP HCM).

Ngoài ra, theo xác nhận của UBND phường nơi ông cư trú thì từ ngày chấp hành xong hình phạt tù đến nay (tức là đã qua hơn 10 năm), ông T.A chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, chưa phát hiện vi phạm gì. Căn cứ vào BLHS năm 1999, trường hợp của ông T.A đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích nên mặc dù chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án, Sở Tư pháp TP HCM vẫn thực hiện cấp Phiếu LLTP cho ông T.A với nội dung xác nhận “không có án tích”.  

Ông N.C.N bị Tòa án quân sự quận 3, TP HCM xử phạt 20 năm tù về tội “Cướp có vũ khí” (bản án này đều không còn lưu giữ tại các cơ quan Tòa án, Công an, Trại giam). Ông N đã chấp hành xong hình phạt tù từ ngày 16/11/1987 và kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù đến nay không phạm tội mới. Theo quy định của BLHS năm 1999, ông N cũng thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Do vậy, Sở Tư pháp TP HCM thực hiện cấp Phiếu LLTP cho ông N với nội dung xác nhận “không có án tích” khi ông có yêu cầu cấp Phiếu.

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp được xác nhận “không có án tích” một cách thuận lợi theo quy định của Luật LLTP năm 2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Điều 33 Luật LLTP và Điều 17 Nghị định 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP đã giao cho Sở Tư pháp trách nhiệm chủ động xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án. Trường hợp LLTP do Trung tâm LLTP quốc gia lập thì Trung tâm LLTP quốc gia tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án.

Có thể nói, việc Luật LLTP quy định xóa án tích được chứng minh bằng Phiếu LLTP có ý nghĩa quan trọng vì không ai biết là đương sự đã từng can án hay chưa. Không những thế, cách làm này rất có tác dụng trong việc tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, không bị mặc cảm bởi quá khứ tội lỗi của mình và không bị cộng đồng phân biệt đối xử.

Giao trách nhiệm của cơ quan quản lý dữ liệu LLTP

Tuy nhiên, quy định của Luật LLTP hiện nay chưa bảo đảm thực hiện chế định về đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Trong đó, BLHS năm 2015 có nhiều quy định mới có lợi hơn cho người đã chấp hành xong bản án và người phạm tội mới. Riêng về chế định đương nhiên được xóa án tích, kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện theo quy định. 

BLHS năm 2015 còn nêu rõ, đương nhiên được xóa án tích nếu không phạm tội mới được áp dụng đối với người bị kết án nếu không phải về các tội: Xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 70 của Bộ luật này. 

Đồng thời, một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án từ khi hết thời hiệu thi hành án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Bộ luật này quy định. Do vậy, để thiết thực triển khai các quy định trên, Bộ Tư pháp đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật LLTP năm 2009 cho phù hợp với BLHS mới.

Đọc thêm