Tự nguyện thi hành án: Lợi cả đôi đường

(PLO) - Cưỡng chế thi hành án (THA) là biện pháp cuối cùng nếu người phải THA không tự nguyện. Tuy nhiên, nếu phải áp dụng biện pháp này, Nhà nước sẽ phải huy động rất nhiều lực lượng chức năng, tốn kém công sức, tiền bạc. Quan trọng hơn, bản thân người bị cưỡng chế ngoài việc phải chịu các chi phí liên quan còn dễ “cái sảy nảy cái ung”.
Một buổi thi hành án dân sự. Ảnh Phạm Diệu
Một buổi thi hành án dân sự. Ảnh Phạm Diệu
Một vụ điển hình
Năm 1998, TANDTC xét xử Vũ Thanh Xuân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án chung thân và buộc Vũ Thanh Xuân phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Tại thời điểm điều tra vụ án (năm 1996), cảnh sát đã kê biên hai ngôi nhà của Vũ Thanh Xuân giao cho UBND phường Phúc Xá quản lý, trong đó có ngôi nhà 29m2 tại số 10 ngách 39/26 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, mặc dù đã được kê biên nhưng nhà vẫn được mua đi, bán lại qua nhiều đời chủ. 
Quá trình giải quyết, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) quận Ba Đình xác định người đang sử dụng ngôi nhà là bà Nguyễn Minh Phương (thường trú tại ngõ chùa Châu Long). Chấp hành viên đã thông báo tới bà Phương thời hạn 15 ngày tự nguyện THA song bà Phương không chấp hành. Nhiều lần giải thích, động viên không được, Cơ quan THADS quận Ba Đình đã phải lên phương án cưỡng chế. 
Tuy nhiên, với phương châm phải vận động, thuyết phục đến phút cuối cùng nên trước giờ cưỡng chế, các cán bộ, chấp hành viên vẫn kiên trì thuyết phục bà Phương tự nguyện ra khỏi nhà nhưng đương sự không nghe. Thậm chí, bà Phương còn khóa trái cửa nhà, cầm dao, mang bình gas đe dọa buộc lực lượng chức năng phải đưa con gái bà Phương về Công an phường. Buổi cưỡng chế dù vất vả nhưng đến chiều cũng xong.
Trực tiếp chỉ đạo vụ cưỡng chế này, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình Hoàng Thanh Bình cho biết: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo THADS quận, sự phối hợp tốt của các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở mà buổi cưỡng chế đã thành công tốt đẹp. Cũng theo ông Hoàng Thanh Bình, nhiều vụ cưỡng chế đương sự chống trả rất hung hăng, quyết liệt, đòi hỏi lực lượng chức năng vừa phải mềm dẻo, kiên trì thuyết phục, vừa phải kiên quyết khi đối tượng có hành vi chống đối, vi phạm pháp luật.
Hạn chế các vụ việc phải cưỡng chế
Theo quy định của Luật THADS, đương sự sẽ có 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA để tự nguyện THA, nếu hết thời hạn quy định không tự nguyện THA  thì bị cưỡng chế. Quy định như vậy, song ở bất cứ giai đoạn nào, kể cả khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, cơ quan THADS cũng luôn đặt mục tiêu thuyết phục vận động lên hàng đầu. Vì thế, rất nhiều vụ ở “phút 89” đương sự mới tự nguyện thi hành. 
Tuy nhiên, nhiều vụ án đương sự chống trả một cách rất quyết liệt. Thực tế, nhiều vụ người phải THA vừa bị cưỡng chế tài sản (theo án tuyên) vừa bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự (vì chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự)...
Hạn chế thấp nhất các vụ phải cưỡng chế THA là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của các cơ quan THADS bởi theo các chấp hành viên, nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì Nhà nước phải huy động nhiều lực lượng, lên kế hoạch, phương án cưỡng chế. Quan trọng hơn là các chi phí cưỡng chế, người THA sẽ phải chịu theo quy định của pháp luật. 
Đó là chưa kể trong quá trình cưỡng chế nhiều vụ “cái sảy nảy cái ung” khi người phải THADS quá khích, vi phạm pháp luật. Do đó, các cơ quan THADS đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của Luật THADS, nhất là đề cao tính tự giác, tự nguyện chấp hành bản án thì cả Nhà nước và đương sự đều có lợi./.

Đọc thêm