Văn phòng công chứng sẽ phải có ít nhất 2 thành viên

(PLO) - Chiều nay, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến của các ĐBQH.  Theo nội dung của Dự thảo, nhiều quy định mới được bổ sung, tạo hành lang thông thoáng hơn, nhưng  cũng nâng cao chất lượng hơn cho hoạt động công chứng. 
Nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng
Nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng
Công chứng phải kiểm soát được chất lượng bản dịch
Trình QH lần này, dự thảo đã mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên. Theo Dự thảo, công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao.  
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật được quy định theo hướng công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng. Theo đó, công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Để kiểm soát chất lượng bản dịch, tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp công chứng viên không được công chứng bản dịch.
Thuận lợi hơn cho người hành nghề công chứng
Theo Dự thảo, một số đối tượng  như đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật nếu muốn trở thành công chứng viên sẽ không  phải  tham gia khóa đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề.
Tuy nhiên, tất cả các đối tượng này đều phải tham gia khóa bồi dưỡng 03 tháng về kỹ năng hành nghề công chứng và tiêu chuẩn đạo đức của công chứng viên tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 35) Do chưa thống  nhất được trong kỳ họp trước, UBTV đề nghị hai phương án: Một làn không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Hai là  công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
Chuyển nhượng, thừa kế - phải đủ điều kiện chuyên biệt
Về hình thức tổ chức Văn phòng công chứng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật này nguyên tắc Văn phòng công chứng phải do ít nhất từ 2 công chứng viên trở lên thành lập, được tổ chức và hoạt động quy định của pháp luật về công ty hợp danh (khoản 1 Điều 22). Những Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập trước đây sẽ phải chuyển đổi sang hình thức Văn phòng công chứng do từ 2 công chứng viên trở lên thành lập trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực (khoản 1 Điều 78).  
Văn phòng công chứng cũng sẽ được chuyển nhượng. Tuy nhiên, do Văn phòng công chứng gắn liền với uy tín, kỹ năng chuyên môn và khả năng chịu trách nhiệm toàn bộ của công chứng viên là thành viên, là nơi cung cấp dịch vụ công nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho tiếp thu trong dự thảo Luật theo hướng cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng nhưng phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu bảo đảm chất lượng của tổ chức cung cấp dịch vụ công. 
Người nhận chuyển nhượng tổ chức này cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như phải là công chứng viên, có kinh nghiệm hành nghề nhất định, cam kết hành nghề tại địa phương... và việc chuyển nhượng này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép.
Được chuyển nhượng như với một doanh nghiệp, nhưng phòng công chứng không được chuyển nhượng theo hình thức thừa kế. Qua thảo luận, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về việc thừa kế Văn phòng công chứng vì không bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về doanh nghiệp. 
Trong trường hợp Trưởng Văn phòng công hoặc công chứng viên hợp danh chết, người thừa kế của công chứng viên được hưởng phần giá trị tài sản tại Văn phòng công chứng sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của công chứng viên đó và có thể trở thành công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng nếu đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như trong chuyển nhượng Văn phòng công chứng, đồng thời phải được các công chứng viên hợp danh khác đồng ý. 

Đọc thêm