Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền: Giá trị trường tồn trong kỷ nguyên mới

(PLVN) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ đặt nền móng cho quá trình hình thành và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là ngọn đuốc soi đường trong công cuộc đổi mới pháp luật hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của pháp luật trong xây dựng Nhà nước và quản lý xã hội. (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới với yêu cầu hội nhập sâu rộng, thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị chính là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhằm bảo đảm một nền pháp quyền hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.

“Pháp luật là vũ khí sắc bén để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi Nhân dân”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của pháp luật trong xây dựng Nhà nước và quản lý xã hội. Với Người, pháp luật không đơn thuần là công cụ cai trị mà phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và phục vụ Nhân dân. Pháp luật phải khẳng định mọi quyền lực thuộc về Nhân dân và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân.

Với quan điểm “dân là gốc” và lòng yêu dân vô hạn, Hồ Chí Minh muốn xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm vị thế “là chủ” và “làm chủ” của dân. Người khẳng định: “Phép luật là phép luật của Nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho Nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số Nhân dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T.9, tr.259); “Muốn trị nước phải trọng pháp luật” (Hồ Chí Minh, Đạo đức cách mạng, 1958); “Pháp luật là vũ khí sắc bén để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi Nhân dân” (Bài nói của Hồ Chí Minh tại Quốc hội, 1957)…

Trong “Hiến pháp năm 1946” - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính Hồ Chí Minh khởi thảo, tinh thần pháp quyền đã được thể hiện mạnh mẽ qua các nguyên tắc: đề cao quyền con người, quyền tự do dân chủ, bảo đảm tính độc lập của các cơ quan quyền lực, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước Nhân dân. Thực hiện tinh thần đó, Điều 1 của Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam”. Cũng trong Hiến pháp 1946, quyền công dân được ghi ở chương 2, có 18 điều luật bao gồm các quyền trên mọi phương diện dân sự - chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội...

Trong bức “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Người khẳng định: “Cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Tư tưởng ấy đặt con người vào trung tâm của thể chế - nền tảng vững chắc của Nhà nước pháp quyền hiện đại.

Đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự kết tinh giữa truyền thống pháp lý dân tộc, kinh nghiệm quản trị hiện đại và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền thể hiện ở ba điểm cốt lõi: Nhà nước của dân, do dân và vì dân - quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ Nhân dân; Tôn trọng và thực thi pháp luật nghiêm minh - không ai đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật; Kết hợp giữa đạo đức và pháp luật - điều chỉnh hành vi không chỉ bằng cưỡng chế mà bằng giáo dục và tự giác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 5/1960.

Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta nhất quán xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới chính trị, trong đó pháp luật là công cụ quan trọng nhất để thể chế hóa các chủ trương, chính sách. Thực tiễn hơn ba thập kỷ đổi mới cho thấy, các nguyên tắc về tính tối cao của Hiến pháp, thượng tôn pháp luật, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân... đã từng bước được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật: sự chồng chéo, bất cập trong quy định pháp lý; năng lực tổ chức thực thi còn yếu; sự thiếu nhất quán, thiếu tính dự báo trong hoạch định chính sách pháp luật...

Trước thực tiễn này, để đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới, ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

“Thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia. Do đó, để đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, chúng ta dứt khoát nói “không” với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi”. (Trích bài viết ngày 4/5 của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”).

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 66 nhấn mạnh: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này…

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…

Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đèn soi sáng

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thực thi Nghị quyết số 66-NQ/TW, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đèn soi sáng để đổi mới một cách toàn diện và thực chất. Về quan điểm lập pháp, tư tưởng “dân là gốc” của Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, từ nguyện vọng của Nhân dân, thay vì được xây dựng theo lối “áp đặt trên xuống”; việc lấy ý kiến người dân, các đối tượng chịu tác động của luật cần được làm thực chất, tránh hình thức.

Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Về tổ chức thi hành pháp luật, tư tưởng Hồ Chí Minh nhấn mạnh “có pháp luật mà không thi hành nghiêm thì cũng như không”. Nghị quyết số 66-NQ/TW kế thừa quan điểm này khi yêu cầu “thi hành pháp luật phải được đặt ngang hàng với xây dựng pháp luật”, có chế tài đủ mạnh và cơ chế giám sát chặt chẽ.

Về cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, Hồ Chí Minh luôn chủ trương “chính quyền gần dân, sát dân”, cắt giảm tối đa thủ tục nhiêu khê. Công cuộc chuyển đổi số, cải cách hành chính hiện nay cũng chính là cụ thể hóa tinh thần ấy, hướng đến nền quản trị công khai, minh bạch, hiệu quả…

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là di sản vô giá, mang tính trường tồn với thời gian. Trong thời đại hội nhập và chuyển đổi số, tinh thần ấy càng trở nên cấp thiết, là “kim chỉ nam” để kiến tạo một nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân. Thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ là nhiệm vụ mang tính chính trị - pháp lý, mà còn là hành động cụ thể để hiện thực hóa tư tưởng của Người. Bằng việc nâng cao chất lượng lập pháp, gắn kết chặt chẽ với tổ chức thi hành, xây dựng bộ máy pháp quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chúng ta đang từng bước khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Nghị quyết 66-NQ/TW xác định các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025 khắc phục căn bản các “điểm nghẽn” do quy định pháp luật gây ra; đến 2027 hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ cho bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; đến 2028 hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm 3 nước hàng đầu ASEAN; đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi...

Đọc thêm