Tự ứng cử: Nhiệt tình - Cần nhưng chưa đủ

(PLO) - Qua hai lần hiệp thương để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 sắp tới đã xuất hiện khá nhiều người tự ứng cử, hơn hẳn những kỳ bầu cử ĐBQH trong quá khứ. Đây là một dấu hiệu tốt đẹp, chứng tỏ tính dân chủ của thể chế và sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân đối với một hoạt động đặc biệt quan trọng của đất nước.

Thủ đô Hà Nội có 47 người tự ứng cử. Con số này ở TP HCM là 50. Rất đáng chú ý là trong số những người tự ứng cử có người cao tuổi nhất là một cụ già 91 tuổi và người trẻ nhất ở thế hệ 9X. Có một số diễn viên, ca sỹ và cả những người làm nghề tự do tự ứng cử.

Trước hết, xã hội cần phải ghi nhận và trân trọng những người đã ý thức được quyền công dân của mình và có tâm huyết lớn với đất nước để rất tự tin ra ứng cử ĐBQH, sẵn sàng gánh vác trọng trách. Không ai được phép kỳ thị, bộc lộ sự thiếu tôn trọng đối với bất cứ người tự ứng cử nào.

Qua rất nhiều kỳ họp Quốc hội, chúng ta thấy những ý kiến sắc sảo, có hiệu quả nhất đều chỉ tập trung ở một số đại biểu nhất định. Không ít người suốt cả một nhiệm kỳ, dự đủ các kỳ họp mà không một lần phát biểu. Cũng không ít người có nói nhưng ý kiến không mấy chất lượng, thể hiện trình độ hiểu biết còn hạn hẹp, chưa xứng tầm đại diện cho dân.

Ngay việc đưa ra những câu hỏi chất vấn cũng có người còn bộc lộ sự hạn chế về trí tuệ. Hỏi hời hợt, không đi thẳng vào trọng tâm, chất vấn nhưng không đặt ngay câu hỏi mà lại phân tích, kể lể dài dòng khiến vị chủ trì cuộc họp phải nhắc nhở.

Không ai nghi ngờ tâm huyết, động cơ tốt đẹp của những ứng cử viên tự động. Cộng đồng rất tin ở trái tim nóng bỏng, ý thức muốn phục vụ nhân dân vô tư, không vụ lợi của họ. Tuy nhiên, nhiệt tình đương nhiên là cần thiết, tiên quyết và bất cứ công việc gì cũng cần có yếu tố này đầu tiên. Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ và không thể trở thành ĐBQH.

Phần lớn những người tự ứng cử đều tâm niệm rất chân thành là sẽ luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cử tri, hoàn tất tốt sứ mạng đại diện cho dân của mình. Nhưng để làm được điều này, ĐBQH cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về rất nhiều lĩnh vực thuộc đời sống xã hội, đặc biệt là phải nắm vững pháp luật, lại có tầm mắt bao quát mọi diễn biến của thời cuộc, nhìn rộng được ra cả thế giới.

Chức năng, sứ mạng của ĐBQH không chỉ là phát biểu những ý kiến nhằm bảo vệ cử tri giữa nghị trường và giám sát mọi hoạt động của các cơ quan công quyền. Ngay hai nhiệm vụ lớn này cũng đòi hỏi trình độ hiểu biết, nếu bất cập sẽ không thể thực hiện. Ngoài ra, ĐBQH còn phải tham gia bàn thảo nhiều vấn đề lớn, biết phản biện xã hội, rồi chất vấn các chức trách khi cần thiết và ấn nút biểu quyết, thể hiện chính kiến của mình. Rõ ràng, chỉ có nhiệt tình mà thiếu tri thức, vốn sống thì không thể thực hiện được những công việc trên

Đọc thêm