Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công: Nâng thành Luật hay sửa đổi Pháp lệnh?

(PLO) - Thực tiễn cho thấy, có những vấn đề mà nếu ở tầm Pháp lệnh Người có công (NCC) thì chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý, nhưng dù là sửa đổi Pháp lệnh hay ban hành Luật NCC thì yêu cầu đặt ra đều phải xử lý tốt các yếu tố như công nhận đúng đối tượng, bảo đảm điều kiện, chính sách, nguồn lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối  với NCC...
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công: Nâng thành Luật hay sửa đổi Pháp lệnh?

Vẫn loay hoay “làm thế nào người đủ tiêu chuẩn được hưởng ưu đãi”

Đây là nhận định của ông Trần Hồng Nguyên - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – khi thảo luận về thực tế thực hiện chính sách pháp luật về NCC trong một hội thảo chuyên đề về hoàn thiện chính sách, pháp luật về NCC diễn ra mới đây tại Hà Nội. Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC năm 2005, có 12 diện đối tượng được công nhận có công với cách mạng. Cả nước cũng xác nhận có trên 9 triệu NCC. 

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, 95,75% số đối tượng NCC đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn 4,16% hưởng chưa đầy đủ và 0,09% hưởng sai chế độ, chính sách. Qua quá trình các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, tồn tại, đến nay, 4,16% số đối tượng là NCC chưa được hưởng đầy đủ chính sách đã được giải quyết cơ bản. 

Sau tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (theo Chỉ thị số 23/CT-Ttg ngày 27/10/2013), hiện cả nước còn trên 30 nghìn trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận là NCC, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh… Ông Trần Hồng Nguyên nhận định, việc chưa được xác nhận là NCC chủ yếu do thiếu hồ sơ gốc.  “Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi nhiều công phu và phải có vận dụng linh hoạt, sát thực tiễn cuộc chiến tranh ở mỗi vùng miền. Xã hội và gia đình người có công khá bức xúc, đòi hỏi chúng ta không thể tiếp tục kéo dài hơn nữa chỉ vì thủ tục. Và chúng ta vẫn cứ loay hoay làm thế nào người đủ tiêu chuẩn được hưởng ưu đãi” – ông Nguyên nói. 

Bộ LĐTB&XH đã sớm trình Chính phủ triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Cùng với đó, Bộ đã triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ - CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, và ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC… “Chúng ta đã triển khai có hiệu quả song vẫn còn chậm, và gia đình cũng như NCC thì không thể cứ chờ mãi được” - ông Trần Hồng Nguyên nói.

Sửa đổi chính sách, pháp luật phải dài hơi, toàn diện

Thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về NCC, phát sinh ra nhiều vấn đề mà pháp luật chưa bao quát được . Ví dụ, thế hệ cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam hoặc trường hợp thương binh và mất sức lao động mà bị mắc bệnh hoặc sinh con dị dạng, dị tật có được xem xét giải quyết chế độ chất độc hóa học không? Trường hợp người dân đã từng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng trong kháng chiến bị địch bắt tù đày có được hưởng chính sách gì không? Hay như ở miền Nam, việc xem xét công nhận thương binh liệt sĩ đối với những cán bộ được móc nối làm cơ sở bí mật, cơ sở nội tuyến được thực hiện như thế nào?... 

Trong khi đó, qua kết quả rà soát gần 2,1 triệu người có công năm 2014 - 2015 cho thấy, số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách chiếm tỷ lệ 95,75%, nhưng vẫn còn 86.202 người (chiếm tỷ lệ 4,16%) hưởng chưa đầy đủ chính sách và 1.872 người (chiếm tỷ lệ 0,09%) đối tượng hưởng sai chính sách. Để xảy ra tình trạng có đối tượng không thuộc diện ưu đãi người có công nhưng vẫn được hưởng chính sách do hai nguyên nhân: do pháp luật quy định không chặt chẽ hoặc do quá trình thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật. 

Rõ ràng, việc sửa đổi chính sách, pháp luật đối với NCC là cần thiết, nhưng có nên sửa Pháp lệnh hiện hành hay nâng tầm lên thành Luật là vấn đề thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và cơ quan quản lý. “Tùy vào mục đích giải quyết vấn đề mà xác định phương hướng sửa đổi. Với những việc cần giải quyết cụ thể, kịp thời thì nên dừng ở sửa đổi Pháp lệnh, vì quy trình sửa đổi Pháp lệnh sẽ không phức tạp như xây dựng Luật. Tuy nhiên, trong tương lai lâu dài thì vẫn cần thiết phải xem xét nâng Pháp lệnh lên thành Luật đối với lĩnh vực NCC” - ông Trần Hồng Nguyên nói.

Đọc thêm