Nhiều quy định có lợi trong sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

(PLO) - Tại Kỳ họp thứ 3 mới đây, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) với nhiều nội dung mới cơ bản.
Nhiều quy định có lợi trong sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

Những chính sách mới đáng chú ý

Cụ thể, về quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. 

Hay liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, Luật bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9 và 86 của BLHS năm 2015); mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh (Điều 76 của BLHS năm 2015), đó là tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324)...

Cùng với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) và về hiệu lực thi hành của các Bộ luật, Luật có liên quan. 

Đặc biệt, Nghị quyết xác định rõ không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình; đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành nữa. 

Đối với những người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành nữa. Những trường hợp này, Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Cũng theo Nghị quyết, sẽ không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo quy định của BLHS năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm mà hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa...

6 nhiệm vụ cần triển khai

Để kịp thời triển khai thi hành BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

Theo Bộ Tư pháp, cần phải nhận thức rõ rằng, việc thi hành BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn xã hội. Do đó, không chỉ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm mà tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi người dân đều phải hiểu biết, nắm được nội dung quy định của BLHS năm 2015, nhất là những điểm mới trong chính sách hình sự, trên cơ sở này tích cực tham gia công tác phòng ngừa và chống tội phạm.

Trên tinh thần này, Bộ Tư pháp đã dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành BLHS năm 2015 với 06 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai. 

Các nhiệm vụ này bao gồm: rà soát các vụ án hình sự và đối tượng để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án; khẩn trương tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn; tổ chức quán triệt việc thi hành BLHS ở các cấp, các ngành và địa phương và triển khai việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 trong nhân dân, cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang; tổ chức tập huấn chuyên sâu về BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12 và Nghị quyết số 41 cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BLHS để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của BLHS năm 2015; rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy có nội dung liên quan đến BLHS năm 2015 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của Bộ luật.

Về tiến độ thực hiện, dự thảo Kế hoạch xác định về cơ bản các hoạt động cần được hoàn thành trước ngày 1/1/2018 - ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó nhiệm vụ thứ nhất cần triển khai ngay sau khi BLHS được công bố. Nhiệm vụ tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn phải hoàn thành trong tháng quý IV/2017 tạo điều kiện để triển khai các nhiệm vụ khác. Riêng hoạt động tuyên truyền, phổ biến BLHS được tiến hành trong cả quý III và quý IV năm 2017.

Đọc thêm