Lao kháng thuốc bùng phát do bệnh nhân… 'né' điều trị?

(PLVN) - Lao kháng thuốc là việc bệnh nhân “nhờn” thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với thông thường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới xuất hiện khoảng gần 500.000 trường hợp lao đa kháng, trong đó 5-7% là lao siêu kháng. 
Việc điều trị lao kháng thuốc rất mất thời gian và tốn kém. Ảnh minh họa.
Việc điều trị lao kháng thuốc rất mất thời gian và tốn kém. Ảnh minh họa.

Nếu “né”, bệnh nhân có thể lây cho 10-15 người

Trên thế giới bệnh lao còn rất nặng nề ở các nước đang phát triển. Hàng năm có tới 2 tỷ người bị phơi nhiễm lao, 9 triệu ca mắc mới và 2 triệu người tử vong. Theo thông tin của Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao hằng năm trong cả nước giảm 3,8%. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là số lao kháng thuốc lại có chiều hướng gia tăng, gây nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của WHO, Việt Nam hiện vẫn nằm  trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Các bác sỹ chuyên khoa chia sẻ, có một số nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc: Do bản thân người bệnh, do vi trùng lao và do cả thầy thuốc.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do người bệnh không tuân thủ đúng theo điều trị: Bệnh nhân tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ trị lao.

Sau một thời gian “ở ẩn” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ gây bệnh trở lại. Lúc này, người bệnh trở nên bị lao kháng thuốc và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu. Ngoài ra, cũng có những bệnh nhân bị khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, tự bỏ điều trị nửa chừng…

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như những người sống chung trong gia đình có người bị lao phổi, đặc biệt là trẻ em; bệnh nhân bị tiểu đường; phạm nhân sống trong trại giam, sinh hoạt, vệ sinh chung, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao rất cao.

Điều đáng nói, người bệnh vẫn còn mặc cảm, e ngại với cộng đồng khi mắc lao. Một trường hợp lao kháng thuốc nếu không quản lý, điều trị tốt sẽ tạo nguồn lây nguy hiểm cho 10-15 trường hợp khác. Trong khi đó, theo thống kê gần đây, bình quân ở Việt Nam tỷ lệ mắc lao kháng thuốc chiếm khoảng 4,1% trong số bệnh nhân lao mới và khoảng 23% trong số bệnh nhân đã, đang điều trị bệnh lao. 

Gánh nặng chi phí… thảm họa

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm. Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp trăm lần so với bệnh lao thông thường, riêng tiền thuốc lên tới 40-50 triệu đồng/bệnh nhân.

Hiện tại, thuốc điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc được Quỹ toàn cầu hỗ trợ. Ngoài ra, Quỹ cũng hỗ trợ kinh phí một số xét nghiệm cơ bản, kinh phí ăn ở tại bệnh viện, đi lại tái khám trong quá trình điều trị bệnh.

Trong báo cáo năm 2019 của Chương trình chống lao quốc gia, 64% số bệnh nhân lao thường và 98% số bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc bệnh lao. 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động. 

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đào Thanh Bình - Giám đốc Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cho biết: Một năm cả tỉnh Thanh Hóa có khoảng 3 nghìn bệnh nhân lao các loại được phát hiện khám và điều trị. Đối với lao kháng đa thuốc trong 1 năm phát hiện mới khoảng từ 60, 70 bệnh nhân.

Lao kháng thuốc tại bệnh viện ghi nhận hầu hết là bệnh nhân đã từng mắc bệnh lao, thế nhưng việc điều trị không đúng cách hoặc bỏ điều trị hoặc đã từng mắc lao trước đây và tái phát trở lại. Những trường hợp này thông thường khi bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa lao sẽ tiến hành làm các xét nhiệm để kiểm tra bệnh nhân có bị lao hay không? Nếu mắc lao rồi thì sẽ làm những xét nghiệm chuyên biệt để kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thuốc hay không.

Các biểu hiện của lao kháng thuốc cũng giống như bệnh lao thông thường (không kháng thuốc) nó cũng không có biểu hiện gì đặc trưng để nhận biết. Chỉ phát hiện được bệnh kháng thuốc hay không kháng thuốc bằng các xét nghiệm chuyên biệt.

Đối với lao kháng thuốc, công tác điều trị bệnh khó khăn hơn rất nhiều. Phác đồ điều trị cũng khác, thời gian điều trị bệnh sẽ dài hơn, thuốc lao cũng phải theo dõi chặt chẽ hơn vì mức độ hiệu quả của thuốc cũng bị hạn chế hơn. 

Bệnh lao thông thường có thời gian điều trị 6 tháng đến 9 tháng. Còn đối với lao kháng thuốc thời gian điều trị từ 18 đến 24 tháng, thậm chí lâu hơn. Và nguy hiểm hơn cả là tỉ lệ tử vong từ lao kháng thuốc khá cao. Do đó, theo ông Đào Thanh Bình, để phòng chống bệnh lao hơn hết là nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động khoa học phù hợp để có sức khỏe tốt, để có sức đề kháng tốt.

Nhà ở, môi trường sinh hoạt phải thông thoáng, tránh ẩm thấp. Khi có các dấu hiệu như ho, khạc đờm kéo dài nên đi khám sức khỏe ngay để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Điều trị giai đoạn sớm, cắt đứt nguồn lây cho người khác. Bên cạnh đó những biện pháp khác cũng rất quan trọng:

Với người bệnh lao phổi phải mang khẩu trang, không được khạc nhổ lung tung, có ý thức bảo vệ người thân và cộng đồng. Nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân lao phải mang khẩu trang phòng hộ đúng tiêu chuẩn (N95).

Tiếp xúc với người bệnh qua kính ngăn, thực hiện khám chữa bệnh, tư vấn phía sau người bệnh… Các cơ sở y tế phục vụ người bệnh lao phải thực hiện tốt quy chế chống lây nhiễm. Đầu tư thích hợp các trang bị phòng hộ cần thiết cho nhân viên và người bệnh. 

Điều quan trọng, người bệnh nếu có tiền sử bệnh hoặc có nghi ngờ, cần đến các cơ sở chuyên khoa sớm để bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Bởi nếu để tới mức độ kháng thuốc, sau khi phơi nhiễm, vi khuẩn lao có thể gây tổn thương ở hầu hết các bộ phận của cơ thể gần như chỉ trừ lông, tóc, móng.

Khi bị bệnh, các tổ chức, cơ quan trong cơ thể bị phá hủy, nếu phát hiện muộn và điều trị không kịp thời, không đúng, cơ quan bị tổn thương nặng nề, có chữa khỏi về mặt vi trùng cũng không hồi phục được. Tổn thương hang hốc, xơ sẹo do lao phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mạn…, lao xương khớp dẫn đến gù, vẹo cột sống, cứng khớp, tàn tật suốt đời…, ông Đào Thanh Bình khuyến cáo.