Tự ý sử dụng hình ảnh trẻ em ốm đau quảng cáo có thể bị khởi tố hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Việc sử dụng hình ảnh của trẻ em đang bị ốm đau bệnh tật để phục vụ cho mục đích quảng cáo mà không có sự đồng ý của trẻ em hoặc cha mẹ trẻ em là hành vi vi phạm về y đức, vi phạm các quy định về bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của cá nhân và vi phạm quy định về quảng cáo”. Đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, Báo PLVN Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của của bạn đọc về việc sử dụng hình ảnh trẻ em để quảng cáo.

Chị Trần Hà My (Hà Nội) cho biết, mới đây, gia đình chị đưa con là Nguyễn Vũ H. Đ đến khám tại Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng tại Hà Nội. Đến đây, gia đình chị bất ngờ khi phát hiện trên tờ rơi quảng cáo của phòng khám có hình ảnh của con mình.

Điều đáng nói, trong khi gia đình không hề nhận được bất cứ sự liên hệ bằng hình thức nào của phòng khám này về việc xin phép sử dụng hình ảnh của con để in trên tờ rơi như vậy. Sự việc khiến gia đình chị rất bức xúc và lúng túng không biết xử lý sao về vấn đề này.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay trên mạng xã hội cũng xuất hiện tràn lan các fanpage sử dụng hình hình ảnh của các trẻ nhỏ đang bị ốm đau bệnh tật để phục vụ cho mục đích quảng cáo các sản phẩm của mình.

Đơn cử như page TS. Bsĩ Nguyễn Thu Hiền sử dụng hình ảnh một em bé trai miệng sưng to, đau đớn nằm trên giường bệnh được bác sĩ này cho rằng có “vấn đề” trong vệ sinh răng miệng dẫn đến phải nhập viện. Lợi dụng những hình ảnh này bác sĩ rao bán những sản phẩm về răng miệng để phòng tránh bệnh tật không đáng có xảy ra. Nhìn những hình ảnh cháu bé này khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi đau xót và bức xúc.

Trước những thông tin tên, luật sư Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết:

Dưới góc độ pháp luật thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Pháp luật cũng quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc và bảo vệ; nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em. Trẻ em được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân. Khi bố mẹ đăng tải hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội cũng cần có sự đồng ý của trẻ.

Việc sử dụng hình ảnh trẻ em là những hình ảnh phản cảm, thể hiện sự đau đớn, xấu xí hoặc có tính chất dâm ô, đồi trụy còn là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em.

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sử dụng trái phép hình ảnh trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Page TS. Bsĩ Nguyễn Thu Hiền sử dụng hình ảnh một em bé trai miệng sưng to, đau đớn để quảng cáo sản phẩm bán hàng

Page TS. Bsĩ Nguyễn Thu Hiền sử dụng hình ảnh một em bé trai miệng sưng to, đau đớn để quảng cáo sản phẩm bán hàng

Sử dụng hình ảnh của trẻ em đang bị ốm đau bệnh tật để phục vụ cho mục đích quảng cáo mà không có sự đồng ý của trẻ em hoặc cha mẹ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu là bác sĩ cơ sở y tế mà sử dụng hình ảnh người bệnh là trẻ em để quảng cáo cho dịch vụ y tế của mình thì hành vi đó vi phạm về y đức, vi phạm các quy định về bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của cá nhân và vi phạm quy định về quảng cáo.

Theo quy định của Điều 7 luật quảng cáo năm 2018 thì những hàng hóa dịch vụ bị cấm quảng cáo bao gồm: 1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2. Thuốc lá. 3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. 4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo. 5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc. 6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. 7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực. 8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Như vậy, trong trường hợp cơ sở y tế trên quảng cáo về thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc có sử dụng sự giám sát của thầy thuốc thì đó là hành vi bị cấm theo quy định của luật quảng cáo. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, điều 8 Luật quảng cáo cũng quy định các hành vi bị cấm trong quảng cáo có trong đó có các hành vi: - Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; - Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật; - Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; - Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Như vậy, hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, hành vi quảng cáo xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh về khuyết tật của người khác, có tính chất kỳ thị hoặc quảng cáo thiếu thẩm mỹ trái với thuần phong mỹ tục thì đều là những hành vi bị cấm trong quảng cáo.

Việc cơ sở nha khoa này sử dụng hình ảnh của em bé nếu không có sự đồng ý của em bé này và phụ huynh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Gia đình em bé này có quyền yêu cầu cơ sở nha khoa này phải gỡ bỏ hình ảnh phải xin lỗi công khai và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo.

Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.

Điều 33. Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo 1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo thuốc lá; b) Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; d) Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; đ) Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác. 2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định; b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 34. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; b) Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khoản 1 và khoản 3 Điều 43, khoản 3 Điều 48 Nghị định này; c) Quảng cáo có tính chất xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật; d) Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; b) Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác; c) Quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh, chữ viết tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; d) Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này. 6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 45 Nghị định này; b) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lành đạo Đảng, Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 45 Nghị định này; c) Quảng cáo làm phương hại đến chủ quyền quốc gia. 7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng. 8. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này; c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Như vậy, với hành vi quảng cáo xúc phạm uy tín của cá nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em thì cơ sở kinh doanh này có thể bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4, điều 34 của nghị định số 38/2021/NĐ-CP nêu trên.

Đọc thêm