Đạo hiếu của con cháu
“Cao nấm, ấm mồ”, người Việt quan niệm, việc tảo mộ là một trong những việc hiếu đạo của con cháu, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình cho hay: “Cao nấm, ấm mồ”, người Việt quan niệm, việc tảo mộ là một trong những việc hiếu đạo của con cháu, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Mọi người cùng phát cỏ, dọn dẹp mộ phần, trang trí lại mộ phần cho tươm tất rồi mời ông bà, tổ tiên cùng về nhà đón Tết cùng con cháu. Gia đình nào cũng phải bố trí làm sao để trước chiều 30 Tết, công việc tảo mộ phải xong xuôi mới về để đón giao thừa. Cận giao thừa mà việc tảo mộ chưa xong thì con cháu còn bộn bề trong lòng, chưa thấy an yên.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, lễ tảo mộ thường diễn ra từ ngày 10 đến trưa ngày 30 tháng Chạp hàng năm. Gia chủ không nên đi quá sớm khi sương chưa tan hay quá muộn khi trời đã tối. Bởi khi này, âm khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ. Tất cả mọi người trong gia đình đều có thể đi tảo mộ.
Thông thường, tảo mộ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Chính vì vậy, tất cả mọi người trong gia đình đều có thể tham gia hoạt động này.
Tuy nhiên, riêng với trẻ nhỏ và bà bầu nên hạn chế. Bởi nghĩa trang là nơi có rất nhiều âm khí, các loại vi khuẩn sinh sôi từ thân thể những người đã mất. Chính vì vậy, đối với những bà bầu ở tháng cuối hay con trẻ dưới 1 - 2 tuổi hoặc người đang ốm nên hạn chế đến đây. Bởi khi này, cơ thể khá yếu, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng đến sức khỏe; Hoặc khi về nhà dễ bị nhiễm phong hàn hoặc một số bệnh thời khí.
Các gia chủ chuẩn bị cây đào, quất, hoa để cắm hoặc trồng để phần mộ thêm ấm áp. Khi ra tảo mộ cuối năm, gia chủ nên mang theo lễ cúng gồm 1 bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, hương/nhang, đèn, quần áo mã, nước lọc sạch, rượu, trầu cau cùng hoa quả, bánh kẹo tùy gia chủ.
Sau khi sửa sang phần mộ, bày biện lễ vật, cần nghiêng mình kính cẩn đứng trước phần mộ, chắp tay vái lạy và mời người đã khuất về nhận lễ. Thứ tự đứng thông thường là người cao tuổi đứng trước, sau đó người trẻ tuổi đứng phía sau. Con trai đứng trước, con gái đứng sau. Người hành lễ thắp hương cầu khẩn phải là người có tâm, khi thắp nhang thì phải nghiêm túc, thành kính với người đã khuất.
Sự kết nối mạnh mẽ với quá khứ
Bà Nhung 70 tuổi, sinh sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội, dù tiết trời lạnh giá vẫn dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ lễ cùng con cháu đi tảo mộ. Bà cùng con cháu dọn dẹp, lau chùi mộ phần của bố mẹ sạch sẽ, tinh tươm. Bà Nhung cắm lọ hoa mẫu đơn, loài hoa bố mẹ bà yêu thích. Năm nay gia đình bà có 7 người gồm 3 thế hệ cùng thắp hương cẩn cáo mời các cụ về nhà đón Tết. Theo bà Nhung, mỗi năm, gia đình bà sẽ lên phần mộ người thân ít nhất 4 lần vào ngày thanh minh, Tết và các ngày giỗ. Năm nay, tháng chạp ít ngày hơn mọi năm nên gia đình đã sắp xếp thời gian, công việc để lên viếng mộ mời người đã khuất về đón Tết sớm. Dù có bận rộn công việc nhưng các con, các cháu bà Nhung vẫn sắp xếp thời gian cùng bà đi tảo mộ. Theo bà Nhung, tục tảo mộ ngày Tết không chỉ là hoạt động của người lớn mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ kết nối với truyền thống, lịch sử gia đình và nhận thức về giá trị tình thân. Việc tham gia vào việc tảo mộ giúp trẻ em hiểu rõ hơn về nguồn gốc, lịch sử và tình cảm gia đình của mình.
Tục tảo mộ ngày Tết là biểu tượng sống động của nét văn hóa truyền thống, làm cho người Việt tự hào về giá trị đạo đức và sự kết nối mạnh mẽ với quá khứ.