Tung clip “riêng tư”, có thể ngồi tù đến 3 năm.

(PLO) - Mới đây, vụ "clip dao kéo" của ca sĩ trẻ Hương Tràm bị tung lên mạng đã gây xôn xao dư luận. Đây không phải lần đầu tiên clip riêng tư của người nổi tiếng bị lộ ngoài ý muốn. Nhưng hầu như những người tung clip vẫn được... an toàn trong bóng tối
Tung clip ngoài ý muốn
Trưa ngày 14/3, đoạn clip quán quân Giọng hát Việt mùa 2012- Hương Tràm phẫu thuật thẩm mỹ đang bị lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng. Đoạn clip dài hơn 3 phút, ghi lại cảnh ca sĩ Hương Tràm nằm trong phòng mổ phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ phẫu thuật đang thực hiện thao tác vẽ định hình vùng mũi và trán cho giọng ca 17 tuổi. Nhìn qua đoạn clip, có thể nhận thấy, Hương Tràm không hề hay biết mình đang bị ghi hình.
Ngay sau đó, trả lời báo chí, ca sĩ Hương Tràm khẳng định cô và người nhà của cô không hề quay clip trong quá trình phẫu thuật và cũng không đưa clip này lên mạng, và đây hoàn toàn không phải chiêu trò tạo scandal của cô. 
“Người quay clip là một y tá trong êkíp phẫu thuật nâng mũi cho tôi. Cô y tá này hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM. Bác sĩ phẫu thuật cho tôi là một người nước ngoài (do một trung tâm trị liệu và thẩm mỹ giới thiệu). Và ca phẫu thuật được thực hiện ở bệnh viện chứ không phải ở trung tâm thẩm mỹ. Vì vậy mà cô y tá mới quay được clip này. Do ca phẫu thuật được thực hiện thông qua trung tâm trị liệu và thẩm mỹ nên nếu chịu trách nhiệm trong việc này thì tôi nghĩ chính là trung tâm” - Hương Tràm cho biết.
Chuyện "người nổi tiếng" bị quay lén và tung clip lên mạng để "làm mồi" cho dư luận và truyền thông là chuyện không hiếm. Cuối năm 2013, một sự việc phản cảm trở thành trò cười cho công chúng khi clip "ngủ nude" trong khách sạn của một nam ca sĩ bị tung lên mạng. 
Clip được cho là quay từ bên ngoài cửa sổ một khách sạn, bên trong phòng khách sạn là  nam ca sĩ đang ngủ với tư thế... adam trông rất phản cảm. Ngay sau đó, đáng ngạc nhiên là có đến hai chàng ca sĩ cùng nhau nhận mình là "nạn nhân" trong bức ảnh. 
Các "nạn nhân" mải mê tranh cãi đến mức dọa kiện cả nhau, quên cả việc truy tìm ra thủ phạm đã quay lén và tung clip bê bối kia. Trong khi đó, nhiều nghi ngờ đưa ra, người quay clip chính là một nhân viên phục vụ của khách sạn nơi nam diễn viên ở.
Một sự việc khác mà nhiều người trong giới còn nhớ, là chuyện một cặp "sao" đã có vợ, có chồng nhưng hẹn hò nhau ngay tại căn hộ của sao nữ khi chồng cô này vắng nhà. Cảnh hai người hôn nhau trong thang máy đã bị một bảo vệ của tòa nhà cắt ra thành clip riêng truyền tay cho bạn bè xem. Thậm chí bảo vệ này còn "nói bóng nói gió" với nhân vật trong clip để đòi một số "quyền lợi". Rất may sau đó phía tòa nhà đã thu hồi được clip và "xử lý nội bộ" đối với bảo vệ nói trên. 
Loại trừ một số trường hợp chủ nhân clip muốn lăng xê, đánh bóng tên tuổi bằng cách có kịch bản hẳn hoi hoặc cố ý lộ ra những clip "gây sốc" về bản thân, thì chuyện người nổi tiếng bị tung những đoạn băng có nội dung khá "nhạy cảm" ra ngoài công chúng trái ý muốn, đều gánh chịu những thiệt hại đáng kể. 
Không những chỉ có thiệt hại về mặt tinh thần: Sốc, mất mát danh dự, tổn thương tâm lý, đôi khi họ còn bị hao hụt tiền bạc khi một khoản cát xê bị thất thu khi các bầu sô hủy hợp đồng vì sợ... tai tiếng lây. 
Thế nhưng, hầu như rất ít trường hợp thủ phạm trong các vụ việc bị xử lý trước pháp luật. Do tâm lý người nổi tiếng không muốn chuyện bé xé ra to, hay do luật pháp không thể bảo vệ các nạn nhân?
Vị phạm quy tắc nghề nghiệp lẫn quy định pháp luật
Trở lại câu chuyện Hương Tràm - Giọng hát Việt - bị tung clip phẫu thuật mũi, một điều rõ ràng là người y tá quay và tung clip nói trên đã vi phạm nghiêm trọng đến quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
TS.BS Bùi Xuân Trường - Trưởng Khoa ngoại 5, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - trả lời báo chí đã phân tích: cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ công bố hình ảnh của cô ca sĩ trẻ Hương Tràm mà không được sự đồng ý của Hương Tràm là trái với quy định của ngành y tế.
Theo quy định của ngành y tế,  việc quay phim, chụp hình các ca phẫu thuật ở bệnh viện hay cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện trong trường hợp đó là những ca khó để làm tư liệu nghiên cứu, hỗ trợ cho công tác giảng dạy sau này.
Nếu không phải là những ca khó, không phải quay phim, chụp ảnh để làm tư liệu nghiên cứu hay phục vụ công tác giảng dạy thì phải được sự đồng ý của bệnh nhân mới được thực hiện. Người quay phim, chụp hình phải mặt áo, quần mổ như những kỹ thuật viên phẫu thuật. Cả hai trường hợp trên, nếu muốn được công bố phải có sự đồng ý của bệnh nhân.
Ngoài ra, quy định của ngành y tế cũng nói rõ, vấn đề sức khỏe là vấn đề bí mật riêng tư của bệnh nhân, phải giữ bí mật cho bệnh nhân. Nhân viên y tế hay bất kỳ ai quay phim, chụp ảnh bệnh nhân mà trước khi công bố không  được sự đồng ý của bệnh nhân đều trái với quy định của ngành y tế.
Về khía cạnh pháp luật, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Trưởng Văn phòng LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP.HCM đưa ra những phân tích: Hiện tại chưa thấy quy định của pháp luật cấm chụp ảnh hay ghi hình người khác mà chỉ cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 
Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Khi bị sử dụng trái phép hình ảnh, người có hình ảnh có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc có thể khởi kiện yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải bồi thường. (Mà rõ nhất là trường hợp của ca sĩ Hương Tràm nói trên). 
Điều 611 Bộ luật Dân sự quy định: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Chỉ khi nào có chứng cứ chứng minh được hành vi sử dụng trái phép hình ảnh nhằm mục đích làm nhục người khác thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể truy cứu trách nhiệm Hình sự người vi phạm về tội: “làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự, khung phạt tù cho tội này từ 3 tháng đến 3 năm./.