Đánh giá về tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa sau 1 tháng chính thức đưa vào khai thác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, tuyến BRT đi vào hoạt động đã vận hành đúng phương án, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn và thu hút được hành khách sử dụng dịch vụ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt: hành khách có những đánh giá tích cực, thiện cảm hơn với phương tiện công cộng; ý thức người tham gia giao thông trên tuyến được cải thiện với việc đa số các phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường của tuyến BRT.
Cụ thể, chất lượng dịch vụ trên tuyến BRT cao và có sự khác biệt rõ rệt so với xe buýt thường, thân thiện với người sử dụng, do vậy đã thu hút được đa dạng đối tượng hành khách. Điều này được thể hiện thông qua các tiêu chí như: lượt xe xuất bến đúng giờ đạt 97,9%; thời gian lượt xe đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông; phương tiện, nhà chờ hiện đại, luôn được bảo đảm vệ sinh, an ninh trật tự, thuận tiện cho hành khách lên xuống xe... Riêng trong tháng 1/2017, tuyến BRT 01 đã vận chuyển gần 376.000 lượt hành khách (bình quân 40 hành khách/lượt), trong đó ngày cao nhất vận chuyển được tới 16.685 hành khách (bình quân 46 hành khách/lượt). Sản lượng hành khách của tuyến BRT trong tháng đầu hoạt động như trên là khá cao, gấp hơn 8 lần so với tuyến buýt thường thử nghiệm chạy theo lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa.
Nhìn lại những ngày đầu khi mới đi vào hoạt động, xe buýt BRT đã phải chịu đựng một áp lực vô cùng lớn từ dư luận Thủ đô. Nhiều người cho rằng xe buýt BRT không phù hợp với Hà Nội khi xe quá to, lưu thông trên một trục đường có mật độ giao thông cao bậc nhất Hà Nội sẽ chỉ gây thêm ùn tắc. Khi đi chậm, xe buýt BRT lại bị một số ý kiến cho rằng không hiệu quả, không xứng đáng với số tiền bỏ ra đầu tư...
Tuy nhiên, như Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Xe buýt là để phục vụ nhân dân trong giờ cao điểm, trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Ùn tắc giao thông không phải do xe buýt mà do phương tiện cá nhân của người dân. Nếu chúng ta chịu từ bỏ xe riêng để đi xe buýt sẽ không còn cảnh ùn tắc trên bất cứ con đường nào nữa”.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, năm 2001 cuộc “cách mạng” thứ nhất đã nâng chất lượng dịch vụ xe buýt của Hà Nội lên một tầm cao mới. Và bây giờ, xe buýt nhanh BRT đang khởi đầu cho cuộc “cách mạng” thứ 2 của xe buýt Thủ đô. “Theo tôi, đi buýt BRT không chỉ là lựa chọn tối ưu để di chuyển mà còn là một lựa chọn thể hiện văn minh, văn hóa của người Hà Nội”, ông Thông nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, với khoảng 12.000 lượt người/ngày và còn tiếp tục tăng, tuyến buýt BRT 01 đang thay thế sự hiện diện của ít nhất 6.000 phương tiện cá nhân lưu thông trên một trong những trục đường có mật độ giao thông cao nhất của Hà Nội là Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. “Đó là câu trả lời xác đáng nhất cho những hồ nghi về tính hiệu quả của xe buýt nhanh BRT”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến, sau khi UBND TP Hà Nội có những chỉ đạo quyết liệt về tổ chức giao thông ưu tiên cho vận hành tuyến BRT (thí điểm lắp đặt dải phân cách để phân tách làn BRT với làn giao thông chung tại 3 nhà chờ Giảng Võ, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy), các lực lượng chức năng duy trì điều tiết, hướng dẫn giao thông dọc lộ trình tuyến BRT, cộng với việc các cơ quan truyền thống luôn đồng hành và thường xuyên đưa tin tuyên truyền cho tuyến BRT, cảnh báo các phương tiện không được vi phạm đi vào làn đường dành riêng cho tuyến BRT nên BRT hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Trật tự giao thông trên tuyến được thay đổi cơ bản, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, đi theo làn, tôn trọng làn xe dành riêng đã cơ bản hình thành. Đa số đánh giá dịch vụ của tuyến BRT thuận tiện, thân thiện cần tiếp tục phát huy nhân rộng để thu hút nhân dân sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng này vẫn còn một số trăn trở với tuyến buýt BRT như tình trạng dừng đỗ xe dọc tuyến buýt BRT 01 vẫn tồn tại. Đặc biệt là tình trạng lấn làn, gây cản trở xe buýt BRT vận hành còn diễn ra phổ biến.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, Sở đã báo cáo tình hình thực tế và kiến nghị lên UBND thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự phối hợp cùng Thanh tra Sở xử lý vi phạm. Hiện thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức cho phép xử phạt để tiếp tục ưu tiên tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, tôn trọng làn đường riêng của buýt nhanh BRT, nhưng thiết nghĩ, chậm xử phạt sẽ tạo thành tiền lệ và thói quen xấu đối với người tham gia giao thông thiếu ý thức. Để đảm bảo cho xe buýt nhanh BRT vận hành trơn tru, hiệu quả, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu đối với vấn đề này.