Tuyên truyền pháp luật bằng câu chuyện

(PLO) - Những gì đặc sắc mà mộc mạc, chân thực mà gần gũi thì sẽ dễ dàng tiếp cận được với đông đảo công chúng. Đó là ý tưởng khởi nguồn để Báo Pháp luật Việt Nam cho ra đời một ấn phẩm phụ có tên gọi rất đơn giản: Câu chuyện Pháp luật nhưng mang theo mình sứ mệnh vô cùng đặc biệt: Tuyên truyền pháp luật bằng các câu chuyện có thật ngoài đời.
Để có những tin bài chất lượng gửi đến độc giả, Câu chuyện Pháp luật được sản xuất thâu đêm.

Bài toán hóc búa

Tháng 2/2012, Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với đội ngũ tham mưu về ý tưởng cho ra đời một ấn phẩm phụ hội tụ đủ hai điều kiện: Giàu tính pháp lý và được đông đảo bạn đọc mến mộ.

Phải làm sao để giải bài toán này khi cứ nghĩ đến pháp luật, pháp lý là người ta dễ hình dung tới những văn bản, những quy định, những điều khoản thật khô khan? Vậy mà Ban Biên tập còn muốn ấn phẩm mới này sẽ là cầu nối để đưa đông đảo công chúng tiếp cận được từng ấy những sự khô khan. Thật là hóc búa!

Nhưng đi mãi thì cũng thành đường và trong nhiều tình huống thì nghĩ mãi cuối cùng cũng vô tình tìm ra đáp án. Đội ngũ tham mưu trình bày với Ban Biên tập: Pháp luật suy cho cùng cũng nhằm mục đích phục vụ con người, bao gồm cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng. Vì thế, pháp luật phải được xây dựng từ những câu chuyện, những tình huống có thật xuất phát từ cuộc sống. Cũng vì thế, có một cách thức mới để báo chí có thể tuyên truyền pháp luật một cách có hiệu quả, đó là lồng ghép kiến thức pháp luật vào các câu chuyện có thật ngoài đời.

Chỉ cần đó là những câu chuyện đặc sắc mà mộc mạc, chân thực mà gần gũi thì chắc chắn sẽ được công chúng đón nhận, vì họ luôn thấy phảng phất trong những câu chuyện ấy hơi thở của cuộc sống và hình bóng của chính mình. Nghĩ như vậy, đội ngũ tham mưu mạnh dạn đề xuất với Ban Biên tập tên gọi của ấn phẩm: “Câu chuyện Pháp luật”.

Tên gọi ấy thoạt nghe thì đơn giản đến mức... tối giản, bởi thế chính đội ngũ tham mưu cũng rất hồi hộp khi đề xuất với Ban Biên tập. Nhưng cũng bởi tinh thần làm việc của cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây luôn xoay quanh bốn chữ “Sáng tạo - Hiệu quả” nên ý tưởng lạ kỳ ấy đã được Ban Biên tập thống nhất thông qua ngay lập tức sau khi nghe đội ngũ tham mưu trình bày chi tiết về ý tưởng của mình.

Những chuyên mục rất “đời”

Sau khi công tác xin giấy phép xuất bản hoàn tất, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2012, những tờ báo Câu chuyện Pháp luật đầu tiên bắt đầu có mặt trên các sạp báo. Kết cấu nội dung của ấn phẩm bao gồm những chuyên trang, chuyên mục có tên gọi rất “đời thường” và 100% hướng tới bạn đọc, nhất là bạn đọc bình dân - đối tượng đặc biệt quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ví dụ như chuyên trang “Cuộc sống muôn màu”, đây là trang báo nêu chân dung của những con người có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng nhưng ít được biết đến, chẳng hạn một người đàn ông mang biệt danh “Tắc-Giăng Việt Nam” cả đời náu mình trong hang đá Bích Động để trồng rừng, một cụ bà nhiều năm liền âm thầm vác đá xây đường cho người dân lên ngôi đền thiêng nổi tiếng về cầu tự...

Chuyên mục “Người tốt ven đường” chuyên nêu những gương người tốt, việc tốt phổ biến ngoài xã hội, ví dụ như hành động đẹp của bác xe ôm, tấm lòng thiện nguyện của một người vá xe đạp... mà phóng viên vô tình bắt gặp.

Đây là hai chuyên trang, chuyên mục được ê-kíp sản xuất ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật đặc biệt quan tâm, bởi theo chúng tôi, bên cạnh việc chống tiêu cực, lên án cái xấu thì chúng ta cũng cần phải biểu dương người tốt, việc thiện để những điều tốt đẹp được nhân rộng, qua đó góp phần khiến cái xấu, cái ác còn đang tồn tại trong xã hội bị lấn át bởi những điều hay lẽ phải.

Chuyên trang “Nhịp đập pháp luật” đăng các bài viết trực diện công kích và phản bác những quan điểm phản động, những thế lực thù địch đang có âm mưu và diễn biến chống phá chế độ ta.

Chuyên trang “Bút lục không số” gồm các bài viết phản ánh những chuyện xúc động, những góc khuất đời thường liên quan đến những vụ án được dư luận quan tâm nhưng không được đề cập trong hồ sơ vụ án.

Chuyên trang “Phía sau song sắt” là nơi phản ánh những ước vọng hoàn lương, nỗi niềm day dứt, ân hận của những con người vì lầm đường lạc lối mà phải mang thân phận “phạm nhân”.

Chuyên trang “Lưới trời lồng lộng”  đặc tả quan hệ nhân - quả, “gieo gió gặt bão” của những gã tội phạm khét tiếng sau khi gây ra tội lỗi đã cố gắng trốn chạy khỏi “lưới trời” nhưng bất thành.

Chuyên trang “Sự thật bị che giấu” gồm các bài báo đưa những chuyện phi pháp tưởng như mãi mãi chìm trong im lặng ra ánh sáng pháp lý. Chuyên trang “Điều tra cùng bạn đọc” là “mảnh đất riêng” dành cho các phóng sự điều tra sử dụng nguồn tin do bạn đọc cung cấp và có sự phối hợp của bạn đọc.

Để tuyên truyền pháp luật trực diện hơn, ê-kíp sản xuất còn lập các chuyên trang “Tình huống pháp luật”, “Lăng kính pháp lý” để đặc tả các tình huống có thật và hay gặp ngoài đời, phân tích các rủi ro pháp lý từ các tình huống đó, chẳng hạn các bài viết: “Giúp người khác “chết”, có phạm tội?”, “Pháp luật có xử lý được hành vi lừa tình?”...

Xen kẽ các chuyên trang, chuyên mục trên, ê-kíp sản xuất ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật luôn chú tâm lồng ghép các điều luật, quy định pháp luật và các bình luận chuyên môn của các chuyên gia pháp lý vào nội dung bài viết để độc giả đọc đến câu chuyện pháp luật nào là lĩnh hội được các kiến thức, kiến giải pháp luật có liên quan. Qua đó, công tác tuyên truyền pháp luật sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

Hướng tới bạn đọc, sẽ được bạn đọc ủng hộ

Có làm thì mới biết để thu thập được những thông tin nhằm viết và sản xuất ra những bài báo vừa giàu tính pháp lý lại đậm đặc hơi thở cuộc sống là điều không đơn giản. Các phóng viên của ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật được điều động đến mọi miền của Tổ quốc để đảm bảo thông tin thu về trên diện rộng, giúp ấn phẩm có độ phủ trên toàn quốc. Tạm biệt Hà Nội, những cây viết trẻ tuổi ấy đã xách balô lên đường đến thường trú tại những miền đất mà nhiều người trong số họ chưa từng ghé thăm.

Có nhiều bài viết khi được xuất bản chỉ nằm gọn ở một trang giấy, nhưng đó là kết quả của những chuyến tác nghiệp đầy mồ hôi và rất mất sức bằng xe gắn máy vượt những quãng đường 400-500km. Vì phải vào đến tận nơi xảy ra câu chuyện pháp luật, gặp trực tiếp những người có mặt trong câu chuyện thì bài viết mới có thể sinh động và chân thực được!

Còn đội ngũ thư ký tòa soạn và biên tập viên của ấn phẩm, họ không phải có mặt “trên từng cây số đường bộ của đất nước Việt Nam” như các phóng viên nhưng lại có đóng góp và cống hiến theo kiểu khác, cũng đáng trân trọng không kém.

Thời gian đầu, khi việc sản xuất ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật “chưa vào guồng”, đội ngũ này gần như có mặt tại phòng làm việc 18/24 tiếng mỗi ngày để duyệt, giao đề tài và biên tập bài cho phóng viên. Về sau, khi hệ thống bắt đầu ổn định, các thư ký tòa soạn và biên tập viên ngoài làm việc ban ngày thì mỗi tuần vẫn phải thức trắng hai đêm để kịp sản xuất ấn phẩm phục vụ đúng giờ báo chuyển nhà in.

Không phụ sự quan tâm, chăm sóc và đôn đốc sát sao của Ban Biên tập, không phụ sự cố gắng của tập thể những người trẻ tham gia sản xuất ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật, tờ báo này đã may mắn được đông đảo công chúng đón nhận và ủng hộ. Số lượng phát hành tờ báo liên tục gia tăng từ 5 vạn tờ/kỳ ở những số báo đầu đã tăng trưởng đều đặn, có lúc lên tới xấp xỉ 9 vạn tờ/kỳ ở những giai đoạn sau.

Có được sự thành công ấy còn nhờ rất lớn vào những đóng góp lặng thầm nhưng cực kỳ quan trọng của ê-kíp phát hành ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật. Thời điểm ấn phẩm mới ra đời, xác định tờ báo mới sẽ có ít người biết đến, ê-kíp phát hành đã tập trung khai thác kênh phát hành báo loa, báo dạo.

Nhờ thế, những bài báo đặc sắc của ấn phẩm bỗng dưng “có miệng” (báo loa), “có chân” (báo dạo) và dễ dàng tiếp cận được với “tai nghe” và “mắt nhìn” của số đông bạn đọc. Các sạp báo cũng được ê-kíp phát hành đặc biệt quan tâm. Hễ nhận được phản ánh rằng sạp nào chưa có ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật, lập tức ê-kíp phát hành đi “lấp đầy khoảng trống”.

Ngoài việc triển khai và đôn đốc ba kênh phát hành: Báo sạp, báo loa, báo dạo, ê-kíp phát hành ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật còn tham gia xây dựng nội dung ấn phẩm cùng đội ngũ tổ chức sản xuất. Cụ thể, ê-kíp phát hành luôn chủ động thu nhận mọi ý kiến nhận xét, bình luận của những người bán báo và của bạn đọc về chất lượng trình bày mỹ thuật và chất lượng tin bài trên ấn phẩm. Nhờ đó, Ban biên tập kịp thời có chỉ đạo cho ê-kíp thư ký, biên tập và phóng viên có những điều chỉnh hợp lý phục vụ cho sự phát triển của ấn phẩm.

Đến nay, ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật đã trải qua 3 năm ra đời, phát triển và thật may mắn là ấn phẩm vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Nhìn lại chặng đường đã qua, những người tổ chức sản xuất ấn phẩm chúng tôi thấy rằng để có được sự ủng hộ này, bên cạnh những cố gắng nội tại của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của ấn phẩm thì thành tựu đạt được còn dựa trên nguyên lý: Hướng tới bạn đọc, sẽ được bạn đọc ủng hộ! Xin chân thành cảm ơn độc giả đã đồng hành cùng ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật trong thời gian qua./.

Đọc thêm