Quyết định gây nhiều tranh cãi
Như Báo PLVN đã thông tin, không chỉ có rất nhiều văn bản chỉ đạo trong vòng hơn 10 năm qua, ngày 1/3/2016 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục có Công văn số 1433/VP-KT gửi Sở Tài chính, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO). Tại Công văn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu “Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty HACINCO và các Sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”.
Để thể hiện tính quyết liệt và sự nghiêm túc trong chỉ đạo, công văn đốc thúc lần thứ 2 này của UBND TP Hà Nội cũng ghi rõ: UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8384/VP-KT ngày 3/12/2015 về việc thực hiện cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.
Trước đó, theo phản ánh của 23 nhà đầu tư hợp hợp pháp và người lao động đã đầu tư mua cổ phần chào bán của HACINCO, việc cổ phần hóa tại Công ty này có rất nhiều khuất tất. Cụ thể,
Ngày 29/10/2004, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.
Ngày 29/09/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB về phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội. Theo đó, giá trị thực tế doanh nghiệp và giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm 31/12/2004 được xác định như sau: Fiá trị thực tế Doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước tại DN: 7.189.588.114 đồng.
Vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ dự kiến như sau: Vốn điều lệ: 50.000.000.000 đồng (Năm mươi tỷ đồng); Mệnh giá cổ phần: 10.000 đồng/cổ phần. Cơ cấu vốn điều lệ: Cổ phần nhà nước (9,11%): 4.553.600.000 đồng; Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động (11,8%): 5.590.000.000 đồng; Cổ phần bán đấu giá công khai (79,91%): 39.856.400.000 đồng.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa Hacinco |
Tuy nhiên, tại thời điểm phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hoá theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 thì vốn nhà nước được xác định là 4.553.600.000 đồng, nhưng đến cuối năm 2005 thì công ty bị lỗ 7.4 tỷ đồng, như vậy vốn nhà nước tại HACINCO lúc này là một con số âm (theo Công văn số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội).
Ngày 30/11/2005, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số 7867/QĐ-UB về việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tại điểm 1.1 Điều 2 Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 theo hướng giảm vốn điều lệ tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được với cơ cấu như sau: Vốn điều lệ: 47.168.600.000 đồng; Mệnh giá cổ phần: 10.000 đồng/cổ phần. Cơ cấu vốn điều lệ: Vốn góp của nhà nước (9,65%): 4.553.600.000 đồng; Vốn cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi (11,85%): 5.590.000.000 đồng; Vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch (78,5%): 37.025.000.000 đồng.
Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động, chuyển nợ lương sai quy định... (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên việc cổ phần hoá công ty HACINCO đã bị dừng lại.
Đến ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo Phương án 2: giữ nguyên mức vốn điều lệ và tăng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần tại Công văn số 441STC/TCDN-P2 của Sở Tài chính ngày 17/02/2006 với cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại như phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV ngày 29/05/2009.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội phân tích: phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội với phương án tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005. Đồng thời, việc Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật.
Vì vậy, Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 ban hành cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, gây tranh chấp và khiếu kiện kéo dài đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của các nhà đầu tư và công luận xã hội.
Nhà đầu tư “hiến kế” giải bài toán khó
Trong kiến nghị gửi tới lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư NCX, một trong các nhà đầu tư “hiến kế”:
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các nhà đầu tư chúng tôi kiến nghị các cơ quan ban ngành cần xem xét, điều chỉnh quyết định thực hiện cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội theo hướng giảm vốn điều lệ tại phương án 1 của Công văn số 441STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006; Cụ thể, vốn và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO cần được điều chỉnh như sau:
Tổng vốn điều lệ: 28.328.160.000 đồng, trong đó: Vốn góp của nhà nước: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16.07% vốn điều lệ; Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.67 % vốn điều lệ; Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 77.26 % vốn điều lệ.
Phương án này được thực hiện sẽ giải quyết được dứt điểm việc chuyển đổi Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành Công ty cổ phần, không gây khiếu kiện kéo dài và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.