Dự án khai thác cát “treo” chiếm dụng đất nông nghiệp
Trong hai vấn đề mà UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giải quyết và báo cáo đều liên quan đến việc khai thác cát. Không chỉ vấn đề khai thác cát trái phép được cử tri quan tâm mà ngay cả việc khai thác cát có phép cũng đang gây bất bình cho cử tri.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ ý kiến của cử tri xã Mạn Lạn phản ánh việc khai thác cát của Công ty TNHH Tiến Cường, thì trong 3 năm qua, mặc dù được cấp phép khai thác cát nhưng Công ty Tiến Cường vẫn án binh bất động và chiếm giữ một diện tích đất nông nghiệp khá lớn dẫn đến việc người dân không có đất để canh tác.
Tìm hiểu về sự việc gây bất bình cho người dân và khiến UBND tỉnh phải vào cuộc, chỉ đạo giải quyết, chúng tôi đã có mặt tại mỏ cát lòng sông Hồng thuộc địa phận xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba. Đây là một bãi bồi lớn, có diện tích gần 100 hecta nằm trên địa bàn hai huyện Thanh Ba và Cẩm Khê, trong đó diện tích đất thuộc huyện Thanh Ba lớn hơn.
Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty TNHH Tiến Cường tại mỏ cát này, với khu vực được phép khai thác, chế biến gần 70 hecta nằm trên địa bàn 3 xã Phùng Xá, Sơn Nga (huyện Cẩm Khê) và Mạn Lạn (huyện Thanh Ba).
Khi thực hiện việc khai thác, Công ty Tiến Cường có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về việc khai thác khoáng sản, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tổ chức được cấp phép.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Mạn Lạn, kể từ khi được cấp phép khai thác đến nay, Công ty Tiến Cường không thực hiện việc khai thác cát theo giấy phép và không thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào của tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản gây bức xúc cho người dân trong xã.
Đặc biệt, một diện tích đất nông nghiệp rất lớn thuộc phạm vi cấp phép khai thác cát đã bị doanh nghiệp chiếm dụng làm “của riêng” mà bản thân UBND xã Mạn Lạn không thể quản lý, khai thác được.
Việc Công ty Tiến Cường không thực hiện việc đúng pháp luật về khai thác khoáng sản không chỉ gây bức xúc cho người dân mà đến chính quyền cũng không kiên nhẫn được. Ngày 3/11/2014, Chi Cục thuế huyện Thanh Ba và UBND xã Mạn Lạn có buổi làm việc và xác nhận, Công ty Tiến Cường không làm thủ tục khai thác cát; không hỗ trợ địa phương bất cứ khoản hỗ trợ nào mà Công ty đã cam kết cho dù đã được mời đến làm việc nhiều lần. Vì vậy, UBND xã Mạn Lạn phải kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác cát của Công ty này.
Lợi bất cập hại vì đổi đất nông nghiệp lấy cát
Tìm hiểu về Công ty TNHH Tiến Cường, chúng tôi cũng phát hiện nhiều điểm bất ngờ về doanh nghiệp này. Lần theo địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Tiến Cường thì thấy, địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty này là một ngôi nhà nhỏ cấp 4, xây dựng 2 tầng hiện nay đang treo biển của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc và không có biển hiệu của Công ty Tiến Cường.
Theo kết quả theo dõi hoạt động của Chi Cục thuế TP Việt Trì, hiện tại Công ty Tiến Cường gần như không hoạt động và còn nợ đọng gần 200 triệu tiền thuế với nhà nước, bao gồm cả tiền phạt. Theo đại diện đơn vị kiểm tra của Chi Cục thuế TP Việt Trì, trong năm 2013, 2014 và đến nay, Công ty Tiến Cường vẫn thực hiện việc nộp báo cáo thuế nhưng báo cáo đều bằng không (không có hoạt động làm phát sinh thuế).
Trên bảng theo dõi cũng thế hiện, Công ty này không có bất cứ giao dịch và doanh thu gì liên tục trong hơn 2 năm qua. Như vậy, sự bức xúc của cử tri xã Mạn Lạn là hoàn toàn có cơ sở bởi doanh nghiệp được cấp phép khai thác hoàn toàn ở trạng thái “chết lâm sàng”.
Theo ông Hoàng Như Lô, Trưởng Phòng quản lý khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thì nếu doanh nghiệp vi phạm luật trong việc khai thác khoáng sản thì có thể bị thu hồi một phần hoặc toàn bộ giấy phép khai thác.
Với việc người dân phản ánh Công ty Tiến Cường không có hoạt động khai thác cát tại điểm mỏ được cấp phép, ông Lô cho rằng Công ty Tiến Cường vẫn khai thác tại khu vực mỏ thuộc địa bàn huyện Cẩm Khê. Song, với việc hồ sơ kê khai và báo cáo thuế bằng không thì xem ra, thông tin này của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường là hoàn toàn không chính xác.
Trước yêu cầu của UBND tỉnh, ngày 3/8/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã phải triệu tập một cuộc họp gấp vào ngày 7/8 để giải quyết kiến nghị của cử tri. Chưa biết Công ty Tiến Cường sẽ báo cáo như thế nào về hoạt động khai thác cát, nhưng việc Công ty này vi phạm quy định của Luật Khoáng sản cũng khá rõ ràng, thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép.
Vì, theo quy định tại Điều 58 Luật Khoáng sản thì sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực mà tổ chức, cá nhân được cấp phép không thực hiện xây dựng cơ bản mỏ, tiến hành khai thác, vi phạm nghĩa vụ của tổ chức được cấp phép thì phải thu hồi, chấm dứt hiệu lực của giấy phép.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Mạn Lạn cho biết, nguyện vọng của cử tri và cả chính quyền xã Mạn Lạn là không cấp phép khai thác cát tại bãi bồi sông Hồng vì việc khai thác cát sẽ gây nguy hiểm đối với 120 hộ dân sống ven sông, gần bãi bồi. Bên cạnh đó, việc khai thác cát sẽ làm biến mất hàng trăm mẫu đất nông nghiệp của xã. Nếu diện tích đất trên được sử dụng để canh tác thì sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động.
Hiện nay, diện tích bãi bồi có thể được sử dụng để trồng mía, chuối tây Thái Lan và trông cỏ nuôi bò rất hiệu quả. Việc đánh đổi hàng trăm mẫu đất vốn là nguồn sống trăm năm của người dân địa phương để một doanh nghiệp được lợi là điều không nên làm và đây chính là ý kiến, nguyện vọng của cử tri xã Mạn Lạn muốn được UBND tỉnh Phú Thọ lắng nghe, giải quyết.