Vài lời của người ăn nước mắm với TS Trần Đáng

(PLVN) - “Tại sao phải phân ra nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp để gây mất đoàn kết trong ngành nước mắm của mình”, TS Trần Đáng nói vậy nhưng đây có thực sự là một quan điểm góp phần làm cho thị trường nước mắm trở nên tốt hơn?
Ông Trần Đáng đang bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo này

TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, từ trước đến nay không có văn bản quy định nào gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. “Anh dựa vào đâu mà phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp?. Tiêu chuẩn của Nhà nước, người ta chỉ gọi là nước mắm và nước mắm nguyên chất. Tại sao phải phân ra nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp để gây mất đoàn kết trong ngành nước mắm của mình”, TS Trần Đáng nói.

Taị sao ông Đáng phải lo việc “mất đoàn kết”, mà ông không lo lắng nước mắm truyền thống có nguy cơ biến mất khi dự thảo về TCVN về sản xuất nước mắm đưọc đưa ra, và các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải cầu cứu lên Chính phủ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thốt lên: “Bạn phải ngồi nghe những chủ nhà thùng Phú Quốc nói. Nghe nói, ai thua thì phải bán nguyên liệu cho họ. Nhưng ở Phú Quốc không có ai làm vậy. Họ bỏ nghề, làm nông kiếm sống. Nhưng Nha Trang thì khác. Mấy anh bạn tôi làm nước mắm ở Nha Trang nói, muốn sống đành phải làm nhà cung cấp nguyên liệu cho họ. Họ quảng cáo dữ quá, bán giá rẻ quá mà làm mạng lưới cũng rộng quá nên chiếm hết thị trường. Tụi tôi đành đi bán nguyên liệu cho họ. Biết là đưa dao cho họ đâm vào cổ mình mà vẫn phải làm để sống”.

Nước mắm truyền thống bao nhiều năm đã là vậy và luôn vậy. Chưa có ai ăn nước mắm truyền thống bị ngộ độc hay có kết luận khoa học nào nói gây ra nguồn bệnh như ung thư hay nguy hại cho sức khỏe. Tại sao phải đưa ra dự thảo này, rồi quy định nọ khiến cho các nhà sản xuất truyền thống khốn khổ, bươn bả?.

“Thì anh cứ pha chế những hóa chất được phép. Miễn anh đừng tìm mọi cách xóa nhòa ranh giới giữa anh và nước mắm truyền thống, đừng tìm cách giết người ta để độc chiếm thị trường, đừng muốn mở bảo tàng nước mắm ở Phú Quốc và viết lại định nghĩa từ ngàn năm trước. Và nhất là đừng phá tan một lực lượng người Việt bao năm nay sống bằng cái nghề gia truyền quá cực khổ này”, bà Hạnh chua xót.

Ông Trần Đáng còn nhấn mạnh: “Đừng phân biệt nước mắm truyền thông với nước mắm công nghiệp mà “mất đoàn kết” trong ngành này". Cơ quan chức năng đưa ra tiêu chuẩn, khiến người sản xuất truyền thống nghẹn ngào, kêu lên để đòi sự công bằng thì ông bảo mất đoàn kết. Sau ông không nhìn thấy thực trạng, hiểu tấm lòng của ngư dân, của những người ven biển đang đau đáu với nghề cha truyền con nối của mình?. 

Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm kiến nghị dừng ban hành TCVN về sản xuất nước mắm

Bảo Thiên, một Việt kiều bày tỏ, đã là mắm thì chỉ có thành phần chính cá và muối. Lấy nước cốt cá từ việc lên men vi sinh, qua thời gian ủ thành "nước mắm". Đơn giản chỉ có thế!

Còn mọi loại nước chế biến khác mà các nhà máy làm ra với thành phần có tỉ lệ của "nước mắm", với nhiều loại cộng các thành phần phụ gia, gia vị thì phải chăng tên gọi đúng của nó là "nước chấm (phụ gia)"?.

Với người Việt, nước mắm có thể dựng nên một thương hiệu quốc gia có mùi vị của biển Đông muôn trùng. Nó chính là cội nguồn của thực phẩm Việt và không bao giờ thiếu với người Việt, dù ở đâu.

"Mất đoàn kết" ư?. Ai là người gây ra nỗi đoạn trường này?.

Đọc thêm