Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 3 năm 2013

(PLO) - Trong tháng 3 năm 2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 07 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 3 năm 2013
Cụ thể như sau:
           1. Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường”
           a. Ngày có hiệu lực thi hành: 01/5/2013, thay thế các Nghị định của Chính phủ: Số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số 19/2010/NĐ-CP ngày 05/ 3/2010 sửa đổi, bổ sung các Điểm c, d, g, h và i Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008; số 89/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008.
            Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thay thế Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008, kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh những nhiệm vụ mới thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định các luật chuyên ngành và đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
           c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 điều quy định về vị trí, chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
           Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
           Bộ có 23 đơn vị trực thuộc, gồm các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
           2. Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp”
         a. Ngày có hiệu lực thi hành: 01/5/2013, thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thay thế  Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh những nhiệm vụ mới thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp theo quy định các luật chuyên ngành và đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
           c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 điều quy định về vị trí, chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
           Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
          Bộ có 27 đơn vị trực thuộc, gồm các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
          3. Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ”
          a. Ngày có hiệu lực thi hành: 01/4/2013.
         Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đăng ký lần đầu ở những tỉnh, thành phố đang áp dụng mức thu cao hơn 10% nhưng không quá 15% thì áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo quy định hiện hành và trường hợp mức thu cao hơn 15% thì áp dụng mức thu 15% cho đến khi HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới theo quy định tại Nghị định này. Đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đăng ký lần thứ 2 trở đi nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
         b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để điều chỉnh Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 phù hợp với Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi.
        c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 2 điều, sửa đổi Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 như sau:
         - Sửa đổi Khoản 10 Điều 4: Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
         - Sửa đổi Khoản 25 Điều 4: Nhà xưởng của cơ sở sản xuất; nhà kho, nhà ăn, nhà để xe của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
         - Sửa đổi Điều 6: Giá tính lệ phí trước bạ là giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo trình tự, thủ tục, nguyên tắc do Bộ Tài chính quy định.
         - Sửa đổi Khoản 5 Điều 7: Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô mức thu là 2%.
        Riêng: Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung; Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
          - Sửa đổi Điều 8: Ghi nợ lệ phí trước bạ đối với đất và nhà gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định  của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Khi thanh toán nợ lệ phí trước bạ thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp lệ phí trước bạ tính theo giá nhà, đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất.
          Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ lệ phí trước bạ nếu chuyển nhượng, chuyển đổi nhà, đất cho tổ chức, cá nhân khác thì phải nộp đủ số lệ phí trước bạ còn nợ trước khi chuyển nhượng, chuyển đổi.
         4. Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài”
        a. Ngày có hiệu lực thi hành: 15/5/2013; bãi bỏ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP.
        Hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP.
         Hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước dùng để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch và Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.
         b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế về thể chế và thực tiễn trong công tác đăng ký và quản lý việc kết hôn có yếu tố nước ngoài; đảm bảo công tác này phù hợp, thống nhất với các luật, nghị định liên quan được ban hành sau tháng 7/2006 và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao.
         c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 7 chương, 45 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam; nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; tổ chức và hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
         Nghị định quy định cụ thể về thẩm quyền đăng ký kết hôn; hồ sơ và thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn; thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn; trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam và tại cơ quan đại diện; các trường hợp bị từ chối đăng ký kết hôn; tổ chức và hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
         UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo pháp luật  thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn.
        Người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn.
        Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại; trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau thì Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký việc kết hôn, nếu có yêu cầu.
         Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Hội Liên hiệp phụ nữ quyết định thành lập.
         5. Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”
          a. Ngày có hiệu lực thi hành:  01/7/2013, thay thế các Nghị định: Số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003, số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 và số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành:  Nghị định được ban hành để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thay đổi cách tính và mức phí đối với nước thải công nghiệp, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, công nghệ để xử lý chất lượng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
           c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 chương, 11 điều, quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
           Theo Nghị định, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
          Nước thải công nghiệp là nước từ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản xả thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt là nước từ các hộ gia đình và  các tổ chức khác xả thải ra môi trường.
          HĐND cấp tỉnh quy định mức phí đối với nước thải sinh hoạt ở địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mức phí đối với nước thải công nghiệp.
          Các đối tượng không chịu phí: Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường; nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội, hoặc ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; nước mưa tự nhiên chảy tràn.
         6. Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng”
         a. Ngày có hiệu lực thi hành: 15/5/2013, thay thế Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng.
           Chấm dứt việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành:  Nghị định được ban hành để quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng phù hợp với Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.
          c. Nội dung chủ yếu:  Nghị định gồm 6 chương, 29 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng, thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra ngành Xây dựng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Xây dựng.
          Đối tượng thanh tra là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và của Sở Xây dựng theo ủy quyền hoặc phân cấp của UBND cấp tỉnh.
          Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng.
           Cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng gồm: Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng.   
          Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao.
          7. Nghị định số 27/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ “Quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường” (kèm theo 05 biểu mẫu phục vụ việc đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường)
           a. Ngày có hiệu lực thi hành: 05/6/2013
         b. Sự cần thiết, mục đích ban hành:  Nghị định được ban hành để quy định  cụ thể về điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
          c. Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 18 điều, quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; hồ sơ và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
          Nghị định áp dụng đối với các cơ quan quản lý về môi trường, tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường tại Việt Nam.
           Nghị định quy định các điều kiện để đươc cấp Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường và trong lĩnh vực phân tích môi trường.
           Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; quy định chi tiết việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
           Tổ chức đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải nộp phí thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và phải nộp lệ phí trong trường hợp được cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.
          8. Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”
          a. Ngày có hiệu lực thi hành:  05/3/2013.
         b. Sự cần thiết, mục đích ban hành:  Quyết định được ban hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
          c. Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 3 chương, 9 điều, quy định hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
         Theo Quyết định, căn cứ vào mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.
         Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phương án can thiệp thị trường vàng theo quy định tại Quyết định này.
         Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối Nhà nước thông qua việc tuân thủ các quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện mua, bán vàng miếng;  lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo một trong các hình thức là trực tiếp hoặc đấu thầu.
         9. Quyết định số 17/2013/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế ”
           a. Ngày có hiệu lực thi hành: 10/5/2013, thay thế Quyết định số 18/2008/QĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế. Bãi bỏ Quyết định số 786/QĐ-BYT ngày 09/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Dân số - y tế.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phù hợp với Nghị định số 63/2012NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
           c. Nội dung chủ yếu:  Quyết định gồm 6 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
          Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là tổ chức thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình trong phạm vi cả nước, bao gồm các lĩnh vực: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về dân số - kế hoạch hóa gia đình theo quy định của pháp luật
          Tổng cục có 11 đơn vị trực thuộc, gồm các đơn vị giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục.
          10. Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản” (kèm theo Phụ lục Yêu cầu về phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và Phụ lục Phương pháp tính dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường)
           a. Ngày có hiệu lực thi hành: 15/5/2013, thay thế Quyết định 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
           b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý nhà nước đối với hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
             c. Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 6 chương, 20 điều, quy định chi tiết việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
           Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này.
           Theo Quyết định, mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động  khai thác khoáng sản phải lập Đề án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
           Mục đích của ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để đảm bảo tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ bảo vệ môi trường thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
         Tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì phải lập Báo cáo để đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Đọc thêm