Cao Thanh Tuyền và số tiền thắng bạc bị BĐBP An Giang tạm giữ |
Nhiều lý do vận chuyển tiền, vàng trái phép qua biên giới
Theo Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN ngày 17/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt đối với cá nhân xuất nhập cảnh (XNC) bằng giấy thông hành XNC hoặc giấy chứng minh biên giới, đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia, cá nhân khi XNC được mang 1 triệu Riel Campuchia hoặc 10 triệu đồng Việt Nam. Quá mức đó thì phải khai báo hải quan, hoặc xuất trình cho Hải quan cửa khẩu giấy phép do Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới hoặc chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ quyền cấp.
Vì lý do làm ăn, buôn bán (lậu), đổi tiền, mua vàng, làm cửu vạn, nhiều người đã vận chuyển một số lượng tiền, vàng lớn trái phép qua biên giới vượt quá quy định trên và không có giấy phép của ngân hàng. Những đối tượng này đều là những người có điều kiện kinh tế khá giả, không sinh sống ở khu vực biên giới nhưng thường xuyên qua lại khu vực này làm ăn, buôn bán. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đều không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số tiền, vàng mà họ mang theo.
Ngày 6/1/2016, tại khu vực biên giới xã Bình Thạnh, Công an huyện Trảng Bàng, Tây Ninh phát hiện Hà Văn Bửu (ngụ thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) và Đỗ Văn Tâm (ngụ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đang đi xe gắn máy từ hướng Campuchia về Việt Nam. Qua kiểm tra, phát hiện trên người 2 đối tượng cất giấu hơn 5 tỉ đồng Việt Nam. Bửu, Tâm khai nhận nguồn gốc số tiền trên là do một phụ nữ người Campuchia (không rõ lai lịch) thuê mang tiền về TP Hồ Chí Minh. Nếu vận chuyển trót lọt, 2 đối tượng được trả công 1 triệu đồng/người. Đây là lần thứ ba Bửu và Tâm vận chuyển tiền thuê cho người Campuchia về Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Tây Ninh, các đối tượng người Việt thường đến tiệm vàng lớn trên địa bàn, đổi tiền Việt Nam lấy ngoại tệ để thanh toán tiền mua hàng hóa (nhập lậu) của người dân khu vực biên giới và người Campuchia. Ngược lại, người Campuchia lén lút mang ngoại tệ, hoặc tiền đồng vào Việt Nam (không khai báo) để đổi lấy ngoại tệ mang về Campuchia.
Trong năm 2015 và những ngày đầu tháng 1/2016, các cơ quan chức năng Tây Ninh đã kiểm tra, bắt giữ gần 15.000 USD, trên 8 tỷ đồng tiền Việt Nam vận chuyển qua lại biên giới không khai báo. Lực lượng Hải quan và Biên phòng đã khởi tố hình sự 13 vụ, 14 đối tượng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Chiều 20/4/2016, tại khu vực cột mốc bên giới số 265 thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc, An Giang, Trạm Kiểm soát Biên phòng (BP) Vĩnh Nguơn phối hợp với Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang phát hiện, bắt giữ đối tượng Cao Thanh Tuyền (SN 1980, trú tại phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) về hành vi vận chuyển trái phép 617,2 triệu đồng qua biên giới. Tuyền khai nhận, sau khi thắng lớn tại một casino ở Campuchia, Tuyền đã mang số tiền được bạc về Việt Nam mà không khai báo với lực lượng chức năng.
Ngày 22/4/2016, tại bến đò khu vực biên giới thuộc tổ 3, ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã phối hợp cùng Công an huyện An Phú phát hiện bà Trần Thùy Trang (trú tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mang một túi xách đi từ Campuchia về Việt Nam nhưng không qua bến phà cửa khẩu chính, không trình báo trạm kiểm soát của lực lượng chức năng tại cửa khẩu.
Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phát hiện bà Trang mang theo 343 triệu đồng. Bà Trang khai nhận số tiền trên là của cá nhân, do sang Campuchia thăm người thân nên mang theo, sợ để ở nhà bị mất. Tuy nhiên, bà Trang không cung cấp được thông tin cụ thể về người thân ở Campuchia.
Mang tiền, vàng lậu, bị bắt, tiền mất, thân vào tù
Ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 29/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về thành phần hồ sơ có bản sao chứng thực giấy tờ, văn bản.
Theo đó, công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam có đăng ký kinh doanh tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép đi vào các tỉnh trong nội địa, có nhu cầu mang theo người tiền của nước có chung biên giới với mục đích mang theo người hoặc để bán cho ngân hàng được phép lập 1 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/2/2016. Thế nhưng nhiều người nước ngoài không thực hiện quy định này mà phải ngồi tù vì mang vàng, tiền lậu.
Sáng 27/3/2016, Trạm Kiểm soát BP Phú Hội (thuộc Đồn BP Phú Hội) phát hiện một chiếc vỏ lãi chở 4 người từ rạch Cần Na (thuộc xã Compung Krasăng, huyện Borey Cholasar, tỉnh Tà Keo, Campuchia) chạy với tốc độ cao vào Việt Nam. Trạm Kiểm soát BP Phú Hội đã thông báo cho Trạm Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Vĩnh Hội Đông (thuộc Đồn BPCK Vĩnh Hội Đông) để phối hợp ngăn chặn.
Sau khi dừng phương tiện để kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong túi đeo bên người của 4 đối tượng có nhiều loại tiền và kim loại màu vàng. Cả 4 đối tượng là nữ mang quốc tịch Campuchia gồm: Chrey Sreypoun (36 tuổi), Nou Sao Then (24 tuổi), Long So Phorn (29 tuổi) và Long So Chantrea (24 tuổi) đã mang theo tổng cộng 49,81 lượng vàng, 986,85 triệu đồng tiền Việt Nam, 4.825 USD và 809 ngàn tiền Riel (tiền Campuchia). Các đối tượng khai nhận số tiền, vàng trên đều là của họ, mục đích mang tiền vào Việt Nam để mua vàng và mang vàng trang sức cũ từ Campuchia vào Việt Nam để đổi lấy vàng mới.
Ngày 16/5/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Cục Hải quan Tây Ninh cho biết, Chi cục vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vận chuyển trái phép qua biên giới 70.700 USD và 13 triệu đồng tiền Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài. Ngày 12/5/2016, tại bộ phận máy soi luồng nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài phối hợp với Đồn BP cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra phát hiện ba đối tượng mang ngoại tệ và tiền Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng không thực hiện khai báo hải quan.
Lực lượng Hải quan phát hiện trong túi quần và trong túi xách của Chhim Hor (SN 1968, quốc tịch Campuchia) có 30.400 USD. Trong túi quần của Kim Kay (SN 1973, quốc tịch Campuchia) có số ngoại tệ là 20.000 USD. Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài phát hiện trong túi quần và trong túi xách của đối tượng Noun Kamsocheat (SN 1969, quốc tịch Campuchia) có số tiền gồm 20.300 USD và 13 triệu đồng tiền Việt Nam.
Xét thấy toàn bộ số ngoại tệ và tiền Việt Nam nêu trên do ba đối tượng trên mang theo khi nhập cảnh vào Việt Nam không thực hiện khai báo hải quan là vi phạm pháp luật. Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã tiến hành lập biên bản phạm pháp quả tang, ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ, người và tang vật vi phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.