Cái thứ “văn hóa” này một lần nữa và rõ ràng hơn, bộc lộ trần trụi hình hài trong phiên xử các cán bộ Thanh tra giao thông Cần Thơ mở ra ngày 21/6 vừa qua với 7 bị cáo và 4 tỷ đồng “chung chi”.
Thủ đoạn phổ biến là dùng quyền hạn, nhiệm vụ của mình gây khó dễ cho chủ phương tiện vận tải để vòi tiền. Từ các trường hợp “xử” đơn lẻ từng vụ việc rồi tiến thêm một bước mới, phải đóng tiền hàng tháng (hụi chết) để các Thanh tra đáng sợ này nhắm mắt cho qua các vi phạm, hành vi này gọi là “bảo kê”.
Sự “chung chi” hình thành nên một đường dây có tổ chức, có thu về nộp về một mối, có cả hệ hống những người giúp việc, môi giới “chân gỗ” mà trong vụ án này gọi là “cò giao thông”. Nếu các chủ phương tiện giao thông nộp không đúng hạn thì điện thoại “nhắc nhở” và bị tiếp tục làm khó dễ. Một cách “chung chi” nữa là chủ phương tiện cho thuê nhà miễn phí để các Thanh tra làm giả hợp đồng rút tiền của Nhà nước chia nhau.
Tiền “chung chi”, “hụi chết” ấy được các bị cáo lý giải là “tiền cà phê sáng”, “bổ sung thêm tiền ăn cho bếp tập thể”,... Đáng kể nhất và gây bất ngờ nhất là bị cáo nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông Cần Thơ khai dùng tiền “bảo kê” để “chạy” chức này, hết 370 triệu.
Tương tự, một bị cáo khác, nguyên Đội trưởng cũng khai đã nộp cho cấp trên 350 triệu để “rộng đường thăng tiến”. Người bị chỉ đích danh nhận tiền đó là ngài Chánh Thanh tra chưa thấy xuất hiện tại phiên tòa. Cũng rất thú vị khi ông Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa biết rõ chuyện bị cáo đã nói với người nhà là dứt khoát mình sẽ lên chức Phó Thanh tra. Đồng tiền đã đi trước một bước và làm nhiệm vụ dẫn đường rất xuất sắc!
Rồi đây, có thể ngay tại phiên tòa này phải khởi tố thêm tội Nhận hối lộ và đưa một vài nhân vật khác vào vòng tố tụng. Nhưng, thế này cũng đã quá đủ để phơi bày một thực trạng đáng xấu hổ của những người thi hành công vụ và để dư luận nhận diện một cách rõ ràng cái “văn hóa chung chi” nó đã đầu độc xã hội như thế nào, đặc biệt, sự sử dụng pháp luật, quyền lực của Nhà nước giao, nhiệm vụ của người công chức thành mộ thứ công cụ để vòi tiền, làm xấu đi hình ảnh của chế độ.
Rõ ràng, cái “văn hóa chung chi” đó là minh chứng cho sự thoái hóa đạo đức công vụ của một “bộ phận không nhỏ” hiện nay. Nó khá phổ biến trong các lĩnh vực khác nhau, từ quản lý vỉa hè đến bảo kê bến bãi, từ bảo vệ rừng đến nạn “cát tặc”, từ hàng lậu qua biên giới đến kinh doanh có điều kiện ở đô thị,... Và, đôi khi “văn hóa chung chi” xâm nhập ở các lĩnh vực cao hơn, có vẻ sạch sẽ hơn, ví dụ như người ta thấy có tờ báo “đánh” một doanh nghiệp, ít lâu sau lại thấy doanh nghiệp bị đánh đó ký với tờ báo đó một “hợp đồng truyền thông”. Đó cũng là một cách “chung chi” để người có trách nhiệm “đâm mấy thằng gian” nhắm mắt làm ngơ!