Người thầy và chiếc “phong bì“

(PLO) - Trong tiềm thức mỗi người, ai cũng có những người thầy đầy thương nhớ. Và từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống “ tôn sư trọng đạo”, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. 
Người thầy và chiếc “phong bì“
Ngày nay, nhiều phụ huynh (và cả một bộ phận thầy cô) cũng chuyển hóa tình yêu này sang một dạng khác, mỏng hơn, nhẹ hơn và thực dụng hơn, đó là chuyện của... “phong bì”. Và cùng với sự “lượng hóa” ấy, mối quan hệ thầy trò đã có nhiều đổi khác...
Không chỉ ngày Tết thầy, cô
Nếu như trước đây, người thầy trong xã hội phong kiến là người thầy của uy quyền, nghiêm khắc; người thầy những năm 60, 70 và sau giải phóng là những người thầy tận tụy và hết lòng vì học sinh thân yêu. Và theo thời gian, khi mà nhà trường là xã hội thu nhỏ, với đồng lương ít ỏi, không ít người thầy đã đi chệch đường ray của đạo làm thầy... 
Và cũng từ đó cách nhìn nhận lại khác, có “ cung” ắt có “ cầu”, không ít phụ huynh cho rằng cứ bỏ tiền ra có thể thuê được tất cả những người thầy làm cho con mình, thậm chí có người nghĩ có thể bỏ tiền ra để mua điểm. Cho nên, đồng tiền cũng chi phối cách nhìn nhận vai trò của người thầy.
Đến hẹn lại lên, cứ dịp 20/11 hàng năm, những bà mẹ  trao đổi với nhau rằng phải có món quà gì đến thầy, không sẽ phiền ngay đến con mình. Thậm chí, những gia đình có điều kiện, ngay khi con vào năm học mới là có chút quà... “phong bì” gửi cô. 
Lại có phụ huynh, con học lớp 9 thì lợi dụng ngày đó mang “phong bì” dày mỏng làm chiếc cầu cho con mình vượt “vũ môn”. Và không ít người đùa nhưng quá đỗi đau lòng rằng mùa 20/11 là mùa các cô đổi iPhone hoặc đổi xe bởi sự “quan tâm” của phụ huynh...
Ở phổ thông là vậy, còn ở bậc đại học (ĐH), hiện tượng “đi thầy” trước kỳ thi hoặc làm đồ án, luận văn ở không ít trường, đặc biệt khối ngành kinh tế, các chương trình tại chức diễn ra khá sòng phẳng. H.V.N sinh viên năm 3, Khoa Cơ điện, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Lớp em cũng có hiện tượng này. Trước kỳ thi, mỗi thành viên trong lớp thường nộp 100 nghìn đồng để cán bộ lớp tổ chức đi “thăm hỏi”các  thầy cô. Còn muốn chạy điểm thì tùy từng môn, tùy số học trình nhưng thường là từ 200 nghìn trở nên. Đắt nhưng có thể được điểm cao hoặc không phải thi lại. Nói chung là “tiền nào của ấy”. Mặc dù kiến thức thu được là giả nhưng quan trọng là sau 5 năm có được tấm bằng ra trường”.
Còn N.T.H.T sinh viên năm 3, Khoa Lâm Nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên chia sẻ: “Hiện tượng này diễn ra thường xuyên  ở trường, lớp em. Vì trường em thường áp dụng hình thức thi vấn đáp nên việc nâng điểm thi là cực kì dễ (chỉ có thầy, trò làm việc với nhau). Lúc sắp thi hết học kì lớp em lại họp lớp để thống nhất về số tiền, hình thức “thăm hỏi” thầy cô. Thường thì mỗi người nộp 50 nghìn đồng. Nếu đi riêng hoặc nhóm sẽ mất vài trăm. Không phải lúc nào cũng có tiền nên có khi phải đi vay rồi đến tháng bố mẹ gửi tiền lên mới trả”.
Dường như tặng  “ phong bì” thầy cô mỗi khi kỳ thi đến đã trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên của sinh viên ngày nay. Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng có thể cầm những món tiền ít ỏi nhưng là mồ hôi, nước mắt của phụ huynh, những người nông dân vất vả trên cánh đồng. 
Bạn Minh Anh kể: “Tôi từng học tại chức lớp báo chí của tỉnh phối hợp với Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Những thầy cô rất tốt và rất nhiệt tình. Mặc dù phải đi xe hơn 150km về dạy nhưng ai cũng tận tâm, tận lực hướng dẫn cho cả lớp chúng tôi. Tôi cũng đi học, học từ xa nữa và cũng chứng kiến ít nhiều phong trào phong bì. Nhưng không phải cả lớp tôi như vậy mà chỉ một số trong số đó thôi. Còn lại, chúng tôi vẫn tự học và thi đúng với trình độ của mình”.
“Nghĩ lại đến giờ sống mũi 
còn cay”...
PGS TSKH Nguyễn Tuyết Minh, giảng viên Khoa Quốc tế ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Tôi may mắn là một trong những lứa học sinh đầu tiên của Việt Nam được sang Nga đào tạo từ năm 1956-1961. Các bà giáo Nga lúc đó cũng chỉ mới ra trường. Những bài giảng, cách giáo dục của họ đi vào tâm hồn, tình cảm chúng tôi một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. 
Giờ đây, tôi đã khá già so với học sinh tôi đang dạy, đáng tuổi bà của các em. Khoảng cách đó cũng là rào cản, nhưng phải vượt qua để sống cùng với các em, nói tiếng nói và thông cảm với các em.”. Bà học được từ chính các thầy giáo của mình đó là làm thầy giáo đầu tiên phải có tâm, có ý thức trách nhiệm với nghề của mình. 
Riêng về chuyện chiếc “phong bì”, bà khẳng định: Trong những năm kháng chiến gian khổ ác liệt, nghèo đói như vậy, tôi thấy không có tệ nạn đút lót, mua điểm như bây giờ. Các thầy giáo dù nghèo đói, nhưng cái tâm trong sạch. Ngày nay, tôi vẫn thấy các ông bố bà mẹ trẻ mừng cô 1 bó hoa, trong đó có cái phong bì (đựng tiền).  Xã hội ngày xưa coi đó là phi đạo đức thì ngày nay lại coi đó là chuẩn mực (thay lời cảm ơn cô giáo vì đã chăm sóc con mình và cảm thông với cô vì lương bổng ít).
“Trở lại câu chuyện phong bì, tôi kể một câu chuyện thế này, cô giáo cấp 1 dạy học sinh định nghĩa “phong bì để gửi thư”, nhưng học sinh thì cứ khăng khăng là “phong bì để đựng tiền”. Trước “tệ nạn phong bì”, tôi rất xót xa”, bà Tuyết Minh bày tỏ.
Còn TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books cũng chia sẻ một câu chuyện: Lớp em mang phong bì đến. Thầy mở ra xem. Nói rằng sẽ cho nửa  lớp trượt. Chúng em về gom tiếp tiền. Thầy mở ra xem và nói, cứ yên tâm về đi. Cả lớp sẽ đỗ. Tôi không tin. Và tôi cầu mong rằng câu chuyện này là do bạn học trò bịa ra hay tôi đã nghe nhầm!
Ông Hùng không thể quên những ngày 8/3 hay 20/11 tặng thầy cô những bó hoa đi xin ở các vườn, nhiều khi chỉ vài bông hoa mào gà. Thời đó, ít thấy ai chê các thầy cô. Có thể ở mỗi học trò đều cảm nhận thấy người thầy của mình luôn hết mình vì trò. 
“Còn nhớ thầy Liễn dạy Toán lớp 7. Nhà lợp mái rạ. Hàng ngày đạp chiếc xe lọc cọc, hay tuột xích đi giảng bài. Buổi tối thầy cũng huy động chúng tôi đi học thêm để thi vào cấp 3. Thầy không lấy 1 xu, không mảy may vụ lợi. Lớp 8 tôi bị viêm gan siêu vi trùng, cô Chung, chủ nhiệm dạy Hóa đã mua gan lợn về, rang khô với nước mắm để tôi bồi dưỡng và ăn thêm cho mau lành. Hay câu chuyện về ăn vụng cơm, ăn trộm rau khi đói quá khiến chúng tôi đến giờ nghĩ lại còn cay sống mũi. Ở tập thể, đói quá, có bạn đã vào nhà ăn sinh viên ăn vụng cơm. Bị bảo vệ nhà trường bắt được, cô Việt, Hiệu trưởng (Trường Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội) đã ôm lấy bạn này và khóc. 
Tôi cũng có con đi học nhưng chưa bao giờ tặng phong bì hay quà cáp cho thầy cô. Làm như vậy tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh không chỉ làm hư thầy cô mà làm hư cả con cái mình. Học để lấy kiến thức chứ đâu phải lấy điểm. Việc con có điểm cao, thành tích tốt tôi cho rằng đó là do sự ích kỷ của bố mẹ. Bố mẹ muốn “khoe” con mình với những người xung quanh, ông Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Với những hiện tượng trên, có người bảo đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo”, người bảo đó là “văn hóa phong bì”, người khác lại gọi là hành động “đi thầy” hay “căn bệnh của xã hội”, một số nữa thì cho rằng đây là sự việc hiển nhiên của cuộc sống! Dù nhiều tên gọi như vậy, và có cho đó là gì đi nữa thì hệ quả mà thầy cô gây ra khi gật đầu với “phong bì” là… vô cùng nhiều!
Và trên thực tế, chuyện chiếc “phong bì” chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, còn ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, thậm chí thầy cô còn không bao giờ được học trò tặng hoa. Với các thầy cô đó, niềm vui của họ giản dị chỉ là học sinh đến trường chuyên cần, không bỏ học để lấy vợ, lấy chồng... 
Và nữa, với những thầy cô dạy dỗ học sinh cá biệt, niềm hạnh phúc của họ chỉ giản dị là học sinh của mình trưởng thành. Họ không cần các em phải là “ông nọ, bà kia” nhưng nhất định học trò phải vượt qua chính mình và sống có trách nhiệm. Thế nên, niềm hạnh phúc của thầy cô, đôi khi chỉ là cậu học trò cá biệt vượt qua những kì thi. Và trên từng chặng đường thành công, họ đều nhớ tới thầy của mình. Rưng rưng như: “ Cô ơi, con xin phép cô cho con lấy vợ”, “Cô ơi, con đã có tháng lương đầu tiên”... 
Giản dị vậy, nhưng người thầy phải đến với học trò mình bằng tất cả trái tim và tấm lòng yêu thương vô hạn... Dễ hiểu vì sao, không ít người đã mang theo những kỉ niệm quá đỗi thân thương và thiêng liêng về thầy mình suốt cuộc đời... Thế nên, xin đừng để câu chuyện chiếc “phong bì” làm mai một đi tình thầy trò, một món quà vô giá và đẹp đẽ trên hành trình đi tìm bản ngã của mỗi con người... 

Đọc thêm