Văn hóa soi đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, đây là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cách đây 75 năm, ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin.

Bác Hồ nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng.

Đồng thời, Người chỉ rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”.

Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, nói về văn hóa, cũng còn biết bao điều trăn trở, suy tư. Nhìn vào lĩnh vực nào cũng thấy còn bao điều nhức nhối; ví dụ: “văn hóa nêu gương” của lãnh đạo, “văn hóa thượng tôn pháp luật” tiến tới một Nhà nước pháp quyền.

Nói đâu xa, thử đặt câu hỏi, bao giờ có “văn hóa công sở”, “văn hóa doanh nghiệp”, “văn hóa giao thông”, “văn hóa môi trường”? Chắc chắn còn rất lâu.

Đất nước không thể phát triển trở thành “nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045 như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII nếu chỉ bằng một đôi chân khập khiễng, nhăm nhắm về kinh tế. Có thể ở một thời điểm nào đó, sự phát triển đạt được ở mức độ nào đó, nhưng vấn đề sức bền của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững lại nằm ở chỗ có hay không một nền văn hoá của sự phát triển mang tầm chiến lược. Nói xác đáng, cần kíp kiến tạo và thực thi một triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững đất nước.

Đây chính là lý do, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Có chiến lược, nhưng nhiệm vụ, giải pháp không thể không đặt ra hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý. Văn hóa phải “soi đường”, mới không lệch chuẩn.

Đọc thêm