Vấn đề mặc
Mấy ngày đầu xuân thời tiết ở miền Bắc khá thuận lợi cho việc du xuân khi nhiệt độ tăng pha lẫn nắng ấm vào buổi trưa, chính vì vậy mà mọi người đều mặc đồ một cách nhẹ nhàng, thoáng đãng hơn. Đối với giới trẻ, nhất là các cô gái “chân dài” thì họ lại càng được dịp khoe đùi nuột, eo thon cũng như khoe... nhiều thứ khác trên cơ thể mà đáng lẽ ra nó cần phải kín đáo! Vâng, việc mặc những bộ đồ của các cô gái trẻ theo kiểu “áo váy hững hờ, quần chẳng chờ phút nào...” hay “thiếu trước, hụt sau...” cũng như “xẻ rãnh chỗ nọ, đào mương chỗ kia...”..., xuất hiện ngoài đường phố đã là khó chấp nhận được, huống hồ nó lại được “diễn” ở những nơi cần sự tôn nghiêm là đền, chùa, miếu, phủ.
Vấn đề mặc thiếu vải, dẫn tới... thiếu văn hóa của giới trẻ hiện nay là không hề ít, và dường như các cô gái trẻ đều đua nhau để “khoe” thân thể, mặc dù nhiều cô gái chân ngắn chứ đâu có dài...! Chẳng phải riêng tôi mà có lẽ rất nhiều người cảm thấy xấu hổ thay cho một cô gái mặt hoa da phấn đi cùng bạn trai trong ngày khai hội chùa Hương mới đây. Xinh đẹp, chân dài, nhưng cô ta đáng chê trách khi mặc một chiếc váy màu trắng có lẽ không thể mỏng hơn được nữa, nhìn thấu cả đồ lót bên trong. Đã vậy, nó lại ngắn đến nỗi chiều dài tính từ chân váy tới cạp có khi chỉ hơn gang tay là cùng. Chiếc áo phía trên cũng tương đồng khi nó cũng vừa ngắn vừa mỏng, lại “thiếu” hẳn phần vải sau lưng... Đi đến đâu cô gái này cũng “hút” ánh mắt của nhiều người, và trong vô vàn ánh mắt của mọi người là sự dè bỉu, là lời chửi thầm về lối ăn mặc lố lăng không đúng nơi, đúng chỗ.
Ngay như hôm đi lễ mùng Hai tại chùa Trấn Quốc, đường Thanh Niên, tôi cũng thấy nhiều cô gái, chàng trai ăn mặc hở hang, ngắn cũn cỡn tiến vào chùa để cầu khấn, lễ bái, mặc dù nhà chùa đã nhắc nhở mọi người có ý thức, có văn hóa trong cách ăn mặc bằng tấm biển đề “Không mặc đồ ngắn vào chùa!”. Tôi biết là những chàng trai, cô gái này có nhìn thấy tấm biển đó, nhưng họ cố lờ đi để vào chùa như chẳng hề có chuyện gì xảy ra cả. Vẫn biết rằng nhà chùa sẽ không thể có đủ người và thời gian cắt cử người đứng ở cửa chùa để nhắc nhở từng du khách và kiểm soát họ trong cách ăn mặc, nhưng điều tối thiểu mỗi chúng ta đều phải biết, những nơi chốn cần sự tôn nghiêm như vậy thì trước khi đi nên suy nghĩ là chọn bộ đồ nào để mặc cho phải phép(?!).
Buồn chuyện xả rác
Giữ gìn vệ sinh cho môi trường sống xanh - sạch - đẹp là thông điệp mà tôi nghĩ có lẽ mọi người đều đã, từng được học, được nghe và được khuyến cáo. Nếu như trước kia ý thức của người dân còn thấp trong việc bảo vệ môi trường thì chuyện họ xả rác bừa bãi, vô tổ chức còn tạm chấp nhận được. Đằng này, đã vào thời đại văn minh vậy mà vẫn có không hề ít những người còn chưa chịu “nâng tầm ý thức”, vẫn bạ đâu xả đó, bạ đâu thải đó khiến môi trường sống bị ô nhiễm, và như thế không chỉ họ đầu độc mọi người mà còn đầu độc chính họ.
Tại Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) mới đây, từ chùa Non lên tượng đài Thánh Gióng, tôi thấy hai bên đường dẫn lên các bậc thang núi là vô vàn rác thải của những người đi lễ hội bỏ lại. Nào là vỏ lon nhựa, kim loại, rồi túi nilon, giấy báo, vỏ hoa quả và cả thực phẩm thừa... “rải” khắp nơi. Vẫn biết hai bên đường dẫn là núi, với cây cối um tùm và những loại rác thải trên khó lòng ảnh hưởng tới cuộc sống của đại bộ phận người dân đều ở cách xa đó mấy ki-lô- mét, nhưng thói quen xả rác như vậy là rất xấu, bởi nó sẽ hình thành trong nếp sống, cách nghĩ của những người này, và đi đâu, ở đâu chắc chắn họ cũng sẽ “xử sự” với môi trường bằng ý thức kém như vậy!
Ở Lễ hội đền Gióng không có nhiều những thùng rác công cộng thì nhiều người còn vin cớ để bao biện cho việc xả rác bừa bãi, nhưng ở những nơi có rất nhiều thùng rác đặt theo khoảng cách không xa nhau như chùa Hương, Yên Tử hay một số địa điểm công cộng nơi thành phố, một số người thiếu ý thức cũng đâu có chịu bỏ rác vào thùng, họ tiện đâu quăng đó! Hôm đi thuyền trên dòng suối Yến vào chùa Hương, tôi nhìn thấy khá nhiều rác sinh hoạt trôi nổi trên mặt nước do chính du khách trẩy hội đi thuyền thải ra. Từ Thiên Trù lên Hương Tích cũng vô vàn rác ở hai bên đường núi. Thực trạng này ở Yên Tử, Bái Đính, Tràng An cũng như nhiều địa điểm, danh thắng khác vẫn thường xuyên xảy ra.
Thiết nghĩ, không cần đợi phải cắm biển, phải kêu gọi nhắc nhở về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mọi người hãy tự nâng cao ý thức của mình trong việc này, bởi một khi tất cả mọi người đều có ý thức, kể cả không có thùng rác ở một số nơi đi nữa, thì rác vẫn được gói ghém và cầm tới những nơi được phép bỏ, như công dân ở các nước phương tây họ vẫn thường làm. Điều đơn giản vậy sao thực hiện ở ta khó vậy(?!) .
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com