Đây là nội dung vừa được Bộ Xây dựng quy định tại Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngoài ưu đãi trên, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất nhiều quy định có lợi cho cả chủ đầu tư và chủ sở hữu nhà chung cư. Cụ thể, đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất trong dự án xây dựng lại nhà chung cư (gọi chung là chủ sở hữu) sẽ được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư vốn hoặc góp vốn để xây dựng lại nhà chung cư.
Không chỉ vậy, các chủ thể này còn được lựa chọn hình thức bồi thường, bố trí tái định cư tại chỗ hoặc các hình thức bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư và được xem xét hỗ trợ theo quy định; được tham gia giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư tại nơi nhà chung cư được xây dựng lại thì việc bố trí tái định cư thực hiện như sau: Đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chủ sở hữu thỏa thuận đầu tư xây dựng lại nhà chung cư thì các bên tự thỏa thuận hình thức bồi thường trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc người được bồi thường nhà ở mới có diện tích tối thiểu phải bằng hoặc lớn hơn diện tích căn hộ cũ bị phá dỡ hoặc có thể áp dụng hình thức thỏa thuận vừa bồi thường bằng tiền, vừa bồi thường bằng diện tích nhà ở.
Đối với trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không thỏa thuận được với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn mà Nhà nước phải trực tiếp đầu tư xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Khoản 2 Điều 113 Luật Nhà ở thì chủ sở hữu chỉ được bố trí tái định cư với diện tích căn hộ mới bằng diện tích căn hộ cũ mà không phải trả thêm tiền.
Các trường hợp tự cơi nới, xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trên đất lấn chiếm trái phép thì không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Nội dung được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi cơ quan soạn thảo đã đề xuất thêm một số chủ thể được tham gia vào việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư. Đó là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động đầu tư tại Việt Nam… Đây cũng chính là những quy định mới so với các quy định tại những văn bản quy phạm pháp luật trước đây về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Bên cạnh các ưu đãi trên, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi khác đối với các chủ đầu tư khi tham gia dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Các chủ thể này sẽ được chỉ định thầu đối với các gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Những doanh nghiệp trên còn được huy động vốn tín dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về tín dụng; được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com