Vấn nạn bia lậu, bia giả: Dán tem nhằm tăng cường công tác quản lý

(PLO) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia, trong đó có nội dung dán tem trên sản phẩm bia...
Một dây chuyền sản xuất bia
Một dây chuyền sản xuất bia
Doanh nghiệp còn lo ngại
Tại hội thảo quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 14/5/2015 ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về quy định đề xuất này. Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng, việc dán tem khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh lại công nghệ, máy móc sản xuất, mua tem...  gây tốn kém khoản tiền không nhỏ.
Theo tính toán, VBA cho rằng, vốn đầu tư mua máy dán tem làm cho ngành bia bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng, bình quân 15 tỉ/máy; trong đó Nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) 645 tỉ đồng, bia Hà Nội (Habeco) 495 tỉ đồng, Heineken 240 tỉ đồng, Carlberg 240 tỉ đồng... Cùng với đó, chi phí mua tem cũng khiến mỗi doanh nghiệp bỏ ra hơn 2.000 tỉ đồng (tương đương 319 đồng/tem). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thêm chi phí dán tem, tính chung chi phí ngành bia tăng thêm 7.000 tỉ đồng mỗi năm...
Ông Lê Bá Cơ (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam) cho rằng: “Từ trước đến nay, việc quản lý của Nhà nước đối với ngành bia là rất tốt. Vì vậy, tôi nghĩ không nhất thiết phải dán tem mới quản lý được thị trường bia. Hơn nữa, chưa chắc công nghệ dán tem sẽ đồng nhất được với công nghệ sản xuất bia. Sẽ làm giảm năng lực sản xuất bia. Bia thì có nhiều chủng loại, lon, chai, keg... nên việc dán tem là rất khó, sẽ không đồng bộ trong khâu sản xuất”.
Ông Cơ cũng cho rằng, từ trước đến nay, Nhà nước vẫn nắm rõ được sản lượng và chất lượng bia. Hơn nữa, ngành bia sản xuất tương đối tập trung nên việc quản lý của nhà nước không quá khó. Rượu có thể dán tem, bởi sản lượng không thể bằng bia. Hơn nữa, nếu dán tem bia thì còn ảnh hưởng đến mỹ quan, mất vệ sinh.
Về sản lượng hàng năm của Sabeco chiếm hơn 40% thị phần, trong khi đó sản lượng của Habeco là hơn 20%. Số phần trăm còn lại là của bia liên doanh và bia nhập khẩu, số lượng bia của các doanh nghiệp nhỏ là rất ít, không đáng kể. Về mặt quản lý thuế, ông Cơ cho rằng, theo luật thì ngoài việc thực hiện các loại thuế chung, bia còn bị chi phối bởi các chính sách pháp luật riêng của quản lý nhà nước như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, quy hoạch ngành, chính sách chống lạm dụng rượu, bia, luật an toàn thực phẩm...
“Dán tem chỉ biết được số lượng tem (tương ứng với số lượng bia) mà không biết được sản lượng bia vì khối lượng và kích cỡ bia khác nhau. Kích cỡ bia khác nhau là vì doanh nghiệp phải bám vào thị trường để sản xuất, thường xuyên thay đổi mẫu mã, kích cỡ... Dán tem để chống hàng giả, hàng nhái. Nhưng qua thực tế những năm qua, hàng nhập khẩu không nhiều, hàng giả lại không lớn. Như thuốc lá, dù dán tem vẫn nhập lậu được, cũng hầu như chưa có trường hợp nào ngộ độc từ bia”, ông Cơ bày tỏ quan điểm.
Chỉ là một trong nhiều biện pháp
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng hiện đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia như thiếu các thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; tình trạng nhập lậu bia, bia giả, đặc biệt là hiện tượng gian lận thương mại, khai báo không chính xác sản lượng sản xuất và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp sản xuất bia dẫn đến thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước.
Việc quản lý còn bất cập đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà sản xuất kinh doanh chân chính với các nhà sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế. Một điều chắc chắn là, sản phẩm bia của doanh nghiệp trốn được thuế sẽ rẻ hơn sản phẩm bia của doanh nghiệp nộp đủ thuế, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất bia có quy mô lớn với nhiều nhà máy sản xuất nhưng cũng chưa có công cụ hữu hiệu để quản lý tập trung, thống nhất về quy mô, sản lượng của mình.
Trong những năm qua, để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (trong đó có các doanh nghiệp ngành bia), Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về thuế, xuất nhập khẩu, đầu tư, đăng ký kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm... Bên cạnh những chính sách chung, một số ngành đặc thù như sản xuất thuốc lá điếu, sản xuất đồ uống có cồn, Nhà nước lại có những biện pháp quản lý riêng. 
Đối với sản phẩm đồ uống có cồn (trong đó có sản phẩm bia), Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Bộ Công Thương phải xây dựng đề án quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác (ngoài sản phẩm rượu đã có Nghị định và Thông tư hướng dẫn tương tự như đối với sản phẩm thuốc lá).
Đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: “Đề án nâng cao năng lực quản lý quản lý nhà nước đối với hoạt động ngành bia bằng dán tem chỉ là một trong nhiều biện pháp để Nhà nước quản lý đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn nói chung và sản phẩm bia nói riêng”.
Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng một hệ thống quản lý thống nhất, toàn diện và đồng bộ từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, với khả năng truy xuất nhanh chóng nguồn gốc từng sản phẩm bia lưu thông trên thị trường thông qua việc thực hiện giải pháp dán tem quản lý và chống hàng giả có tính bảo mật cao. Giải pháp dán tem này sẽ góp phần đáng kể loại bỏ các hành vi gian lận thương mại như: khai gian sản lượng, buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu và làm giả sản phẩm bia, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Nhà nước, người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính.
Khảo sát ở nhiều địa điểm trên địa bàn TP.Hà Nội, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực của người dân đối với việc dán tem bia nếu như điều này thực sự góp phần đảm bảo chất lượng bia và chống thất thu thuế cho Nhà nước. “Có thể điều này sẽ khiến tăng chi phí cho người tiêu dùng. Như một chai bia bình thường hiện giá thành khoảng 12.000 đồng thì dán tem sẽ mất thêm khoảng 200 đồng/chai thì không lớn”, một người dân bày tỏ suy nghĩ.
Trao đổi với báo báo chí vào năm 2013, ông ông Nguyễn Văn Việt (Chủ tịch VBA) cũng cho rằng: “Cái nữa (của việc dán tem) là doanh nghiệp sẽ phải minh bạch hơn sản lượng. Hiện có doanh nghiệp khi khoe thành tích thì nói sản lượng, lợi nhuận rất lớn. Nhưng khi khai thuế thì sản lượng lại ít đi. Dán tem sẽ góp phần khắc phục dần chuyện này”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc dán tem cũng cần tham khảo kinh nghiệm một số nước. Nên ứng dụng công nghệ cao để tăng tính hiệu quả của việc dán tem, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước những băn khoăn của nhiều doanh nghiệp, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ nêu quan điểm: “Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện đề án để báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. Trong quá trình nghiên cứu đề án mọi vấn đề liên quan sẽ được xem xét trên tinh thần hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng nhất; đề án phải mang lại hiệu quả kinh tế; đảm bảo lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng”.

Đọc thêm