Theo phản ánh, chợ tự phát này do ông Võ Đức Tuấn (chủ doanh nghiệp tư nhân Tuấn Ngân, ngụ ấp 1, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) tự ý dựng lên từ nhiều năm trước.
Chống đối lực lượng chức năng
Có mặt tại chợ tự phát của ông Tuấn vào buổi trưa một ngày cuối tháng 4/2019 trời nắng đổ lửa, phóng viên nhận thấy hoạt động tại đây vẫn diễn ra rôm rả. Hai bên đường phía trước chợ, tiểu thương bày bán la liệt các loại rau củ, tôm cá, thịt... người mua dừng hẳn xe trên đường để mua bán gây nên cảnh huyên náo, ách tắc giao thông.
Được biết để hình thành ngôi chợ này, chủ chợ đã tự ý dựng các sạp hàng, che chắn tạm bằng vật liệu dễ cháy trên phần đất do chủ chợ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Trao đổi về sự hình thành của ngôi chợ tự phát trên, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn Nguyễn Văn Đông cho biết, trước đây ông Tuấn được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh các mặt hàng thương mại.
Riêng Phòng Tài chính huyện Long Thành cấp giấy phép cho ông Tuấn hoạt động giữ xe và cho thuê ki ốt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, giấy phép giữ xe và cho thuê ki ốt đã bị huyện thu hồi lại do ông Tuấn vi phạm kinh doanh không đúng mục đích theo giấy phép. Hiện tại toàn bộ hoạt động tại chợ đều do ông Tuấn tự thu, tự quản lý.
Trước hành vi của ông Tuấn khi tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để tổ chức kinh doanh buôn bán, năm 2017 Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn Nguyễn Tấn Hưng đã ký Quyết định số 62/QĐ-KPHQ Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Văn bản nêu rõ: Ông Võ Đức Tuấn đã có hành vi vi phạm chuyển mục đích sử dụng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ông Tuấn đã có hành vi xây dựng nhà lồng làm điểm kinh doanh chợ, cho thuê ki ốt, giữ xe trên diện tích 888m2 đất nông nghiệp… Trước những sai phạm này, buộc ông Võ Đức Tuấn khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu. Thời gian khắc phục là 10 ngày tính từ khi nhận được quyết định.
Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương tổ chức đoàn công tác đến nhà ông Tuấn để triển khai quyết định của UBND huyện, ông Tuấn đã không hợp tác mà còn để người nhà dùng vòi nước xịt ướt đoàn cán bộ huyện Long Thành đang thực thi nhiệm vụ. Trước tình trạng ách tắc giao thông ở khu vực chợ tự phát của ông Tuấn, lực lượng chức năng đề nghị người dân không vào chợ mua bán, liền bị người nhà ông Tuấn chửi bới, thậm chí chạy xe có ý định tông thẳng vào những cán bộ đang thi hành công vụ.
Chợ tự phát “giết” chợ mới
Năm 2016, thực hiện kế hoạch xây dựng Bàu Cạn là xã nông thôn mới, UBND huyện Long Thành cho phép địa phương mời gọi đầu tư để xây dựng chợ mới truyền thống khang trang – một trong những tiêu chí của xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới.
Công ty TNHH dịch vụ thương mại Kim Đức Nguyên đã đứng ra đầu tư xây dựng ngôi chợ mới đúng chuẩn tại ấp 2, xã Bàu Cạn, cách chợ cũ khoảng 300m. Sau 1 năm, doanh nghiệp Kim Đức Nguyên đã hoàn thành các hạng mục xây dựng chợ theo đúng tiêu chuẩn như diện tích ô sạp, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, bãi giữ xe, đường giao thông nội bộ…
Khu chợ mới vắng tanh vì ảnh hưởng các chiêu trò của chủ chợ tự phát gần đó |
Điều đáng nói là sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng, chợ mới do Công ty Kim Đức Nguyên bỏ vốn đầu tư không thể hoạt động vì tiểu thương và khách dồn về hết chợ tự phát của ông Võ Đức Tuấn.
Trước những khó khăn khi không thể hoạt động kinh doanh tại chợ mới của doanh nghiệp Kim Đức Nguyên, năm 2017 UBND huyện Long Thành cùng chính quyền xã Bàu Cạn tổ chức đoàn gần 80 cán bộ xuống bám trụ tại địa phương trong 48 ngày. Quá trình nỗ lực vận động bà con tiểu thương ở chợ tự phát di dời sang chợ mới để ổn định làm ăn, đã có 42 hộ dân đồng ý đến kinh doanh tại chợ mới.
Những trường hợp đến chợ mới buôn bán được tạo điều kiện tốt nhất, như không phải đóng tiền thuê sạp trong hai năm, chỉ phải nộp tiền thuế thu chi mỗi ngày theo quy định. Tuy nhiên, do thói quen của người dân địa phương thường đến chợ tự phát mua hàng hóa nên số tiểu thương trong chợ mới rơi vào tình trạng ế ẩm.
Song song đó, chủ ngôi chợ tự phát còn vận động một số bà con tiểu thương ở khu vực khác đến chợ mình buôn bán, đồng thời không cho 42 trường hợp đã di dời trước đó quay trở lại chợ cũ khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn, tiến thoái lưỡng nan. Một số trường hợp gia đình quá khó khăn phải bày biện hàng ra đường bán, gây nên cảnh giao thông ùn ứ.
Đến nay, doanh nghiệp Kim Đức Nguyên đang sống dở, chết dở vì vốn đầu tư vào chợ mới “nằm chết gí”, trong khi khoản vay ngân hàng ngày càng “nở” ra. Đầu năm 2019, thấy chợ xây tiền tỉ nhưng phải để trống, bản thân doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần không có lối thoát nên Kim Đức Nguyên đã nộp đơn đến UBND xã Bàu Cạn kiến nghị xin chuyển đổi công năng khu đất chợ. Hiện tại, Huyện ủy và UBND huyện Long Thành đã giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, giải quyết cho doanh nghiệp đúng theo quy định.
Như vậy, xã đạt danh hiệu chuẩn nông thôn mới Bàu Cạn của huyện Long Thành mấy năm qua nhưng lại để tồn tại một khu chợ xập xệ, lập trái phép, mất an toàn phòng cháy chữa cháy, mất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trong khi ngôi chợ xây dựng bằng công sức và tâm huyết của doanh nghiệp, của chính quyền địa phương thì rơi vào cảnh hoang vắng, có thể bị dỡ bỏ, chuyển đổi công năng. Nhiều ý kiến cho rằng để gỡ nghịch lý này, địa phương cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ quyết liệt hơn.